Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm bao trùm các cuộc thảo luận ở WEF

Lê Thị Xuân Phương 16:19 | 25/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu là chủ đề nóng được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2022 diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đứng trước nhiều thách thức.

Kinh tế thế giới cùng lúc đối mặt nhiều nguy cơ

Báo cáo Triển vọng kinh tế của các nhà kinh tế trưởng Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm thứ 23/5 cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng do sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu. 

Cụ thể, lạm phát đang ở mức cao kỷ lục tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, châu Âu. Những đợt tăng giá gần đây đã làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và chao đảo thị trường tài chính thế giới, khiến các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), phải tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.

Báo cáo còn chỉ ra rằng thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực tồi tệ nhất trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi, Châu Phi cận Sahara và Nam Á.

Trong khi đó, những hậu quả đối với thị trường năng lượng và thực phẩm từ xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 và các đợt đóng cửa một số địa phương do hệ quả của chính sách zero-Covid ở Trung Quốc càng khiến triển vọng kinh tế thế giới trở nên u ám. Các công ty đa quốc gia đang điều chỉnh lại chuỗi cung ứng theo các đường đứt gãy địa chính trị. 

"Chúng ta đang ở đỉnh của một vòng luẩn quẩn có khả năng ảnh hưởng đến xã hội trong nhiều năm sau. Đại dịch và xung đột ở Ukraine đã chia cắt nền kinh tế toàn cầu, để lại hậu quả sâu rộng, có nguy cơ xóa sổ thành quả trong 30 năm qua", Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi nói. "Các nhà lãnh đạo phải đối mặt với những quyết định khó khăn, thậm chí phải đánh đổi khi giải quyết các vấn đề về nợ, lạm phát và đầu tư".

Theo bà Saadia Zahidi, đã đến lúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ nhận ra vai trò của hợp tác toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng khốn cùng cho hàng triệu người trên thế giới.

Trong một phiên thảo luận của hội đồng WEF, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck chia sẻ: “Chúng ta có ít nhất 4 cuộc khủng hoảng đang xảy ra đồng thời: lạm phát, khủng hoảng năng lượng - lương thực và nghèo đói, biến đổi khí hậu. Chúng ta không thể giải quyết được vấn đề nếu chỉ tập trung vào một trong số những cuộc khủng hoảng ấy”.

Ông cảnh báo: "Nếu không có vấn đề nào được giải quyết, tôi thực sự quan ngại chúng ta đang rơi vào một cuộc suy thoái toàn cầu với ảnh hưởng to lớn".

Triển vọng kinh tế ảm đạm

Cộng đồng các nhà kinh tế trưởng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, đồng thời lạm phát cao hơn, lương thực tế thấp hơn và khủng hoảng an ninh lương thực trên toàn cầu sẽ trầm trọng hơn vào năm 2022. WEF cho rằng đây là hậu quả rõ ràng của sự phân mảnh nền kinh tế thế giới. 

Dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao hơn

Trái ngược với kỳ vọng trước đó, phần lớn những người tham gia cuộc khảo sát mới nhất dự đoán triển vọng kinh tế sẽ ở mức vừa phải đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Mỹ Latinh, Nam Á và Thái Bình Dương, Đông Á, châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi ở năm 2022. Đối với châu Âu, đa số dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ yếu đi.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu lần thứ hai trong năm nay vì cuộc xung đột ở Ukraine. Tổ chức này coi lạm phát là mối nguy hại hàng đầu đối với nhiều quốc gia. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva hôm 23/5 nhận định các yếu tố bao gồm xung đột, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và các cú sốc về giá, đặc biệt là đối với thực phẩm, đã làm u tối triển vọng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bà vẫn chưa dự báo một cuộc suy thoái.

Bà Georgieva nói: "Suy thoái không diễn ra ngay tại thời điểm này. Nhưng điều đó không có nghĩa là suy thoái sẽ không xảy đến".

Đa số các nhà kinh tế trưởng được Diễn đàn khảo sát đều dự báo lạm phát cao hoặc rất cao vào năm 2022 ở tất cả các thị trường ngoại trừ Trung Quốc và Đông Á.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo rằng tăng trưởng và lạm phát đang đi ngược chiều nhau. Áp lực giá cả gia tăng kìm hãm hoạt động kinh tế và tàn phá sức mua của các hộ gia đình. Xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong một thời gian. Quá trình chuyển đổi nguồn cung tạo ra áp lực chi phí dai dẳng cho nền kinh tế.”

Bà cũng gợi mở khả năng tăng lãi suất trong cả tháng 7 và tháng 9 để kìm hãm lạm phát, ngay cả khi chi phí đi vay tăng cao có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Nhà hoạch định chính sách người Pháp Francois Villeroy de Galhau cho hay: "Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là yếu tố không mấy tích cực với nền kinh tế, khiến tăng trưởng chậm lại và làm phát gia tăng.” Ông cho rằng, ưu tiên hàng đầu của mình là chống lạm phát. 

Trong khi sức ép kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine đang được cảm nhận rõ ràng nhất ở châu Âu, thì chính nền kinh tế Mỹ cũng đang phải chịu áp lực giá cả lớn nhất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm là 8,5% vào tháng 3 và duy trì ở 8,3% vào tháng 4.

Đối diện với lạm phát nghiêm trọng, FED đã có động thái tăng lãi suất lớn nhất trong 22 năm với mức tăng 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, Chủ tịch Jerome Powell đã báo hiệu các đợt tăng tương tự ít nhất ở hai cuộc họp tiếp theo.

Nhà kinh tế học Jason Furman của Đại học Harvard, người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, dự đoán xác suất cơ bản cho một cuộc suy thoái trong bất kỳ năm nào là 15%. Giờ đây, ông đã nâng xác suất này lên cao hơn 15% và kỳ vọng sẽ có nhiều người quay trở lại lực lượng lao động trong những tháng tới. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, ông lo ngại FED có thể cần phải nâng lãi suất cao hơn mức được dự báo hiện nay trong 1,5-2,5 năm kể từ bây giờ”.

Trong khi đó, các thị trường mới nổi, bao gồm cả Trung Quốc, vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong năm nay, nhưng với tốc độ chậm hơn so với ước tính. Marcos Troyjo, chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới do Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi thành lập, vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Bên cạnh đó, 2/3 các nhà kinh tế trưởng dự đoán rằng mức lương thực tế trung bình sẽ giảm trong thời gian tới ở các nền kinh tế tiên tiến, 1/3 còn lại trả lời không chắc chắn. 90% trong số những người được khảo sát dự đoán mức lương thực tế trung bình sẽ giảm ở các nền kinh tế có thu nhập thấp.

Khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng

Xung đột ở Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng đang làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu, khiến giá lương thực và năng lượng nhảy vọt. Giá lúa mì dự kiến ​​sẽ tăng hơn 40% trong năm nay và giá dầu thực vật, ngũ cốc và thịt ở mức cao nhất mọi thời đại. 

Các nhà kinh tế trưởng cho rằng tình trạng mất an ninh lương thực sẽ trầm trọng nhất ở châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi trong 3 năm tới. Theo quỹ đạo hiện tại, thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây, bên cạnh áp lực của giá năng lượng cao.

Ngân hàng Thế giới cũng dự báo giá năng lượng sẽ tăng hơn 50% vào năm 2022, trước khi hạ nhiệt vào 2 năm tiếp theo. Tình trạng này buộc các nhà hoạch định chính sách đối mặt với 2 thách thức: cân bằng các nguy cơ mất an toàn năng lượng và chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn. Hầu hết các nhà kinh tế trưởng được khảo sát đều kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách cố gắng giải quyết đồng thời cả hai thách thức.

 

Diễn ra từ ngày 23- 26/5, hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay có sự tham dự của trên 2.500 chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn, đại diện các tổ chức xã hội dân sự cũng như các cơ quan truyền thông.