‘Cha đẻ’ ATM gạo và Oxy: “Tôi chỉ mong muốn hỗ trợ mọi người một tay trong đại dịch”

14:26 | 05/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Mỗi bình oxy có thể cứu thêm được vài chục bệnh nhân khi bệnh viện quá tải, nhiều F0 ở nhà gặp khó khăn vì thiếu bình Oxy. Tôi chỉ mong muốn hỗ trợ mọi người một tay trong đại dịch”.

Đây là tâm nguyện của anh Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc công ty PHGSmarthome chia sẻ trên báo Thanh niên.

Trước khi thực hiện dự án “ATM Oxy”, anh Tuấn Anh còn được biết đến là người đầu tiên đã lập "ATM gạo" để hỗ trợ người dân TP.HCM trong đợt dịch lần đầu bùng phát vào đầu năm ngoái.

Dự án "ATM Oxy" hay còn gọi là trạm đổi bình Oxy hoạt động từ ngày 2/8 tại TP.HCM, đây là dự án được anh Tuấn Anh kết hợp với Thành Đoàn TP.HCM và Trung ương Hội doanh nhân trẻ Việt Nam thực hiện.

‘Cha đẻ’ ATM gạo và Oxy: “Tôi chỉ mong muốn hỗ trợ mọi người một tay trong đại dịch” - ảnh 1

Anh Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc công ty PHGSmarthome

Trao đổi với báo chí về lý do triển khai dự án “ATM Oxy” anh Tuấn Anh cho biết, 1 bịch gạo người ta có thể ăn được vài ba ngày, hoặc thậm chí có thể nhịn ăn 1-2 ngày, nhưng việc thở thì không thể "nhịn" được dù chỉ 1 vài phút. Sau khi thấy hình ảnh một người cha sau 18h phải cấp tốc đi tìm bình oxy cho con, vì nếu không có bình oxy thì người con đó có thể không thở được, anh thấy được sự cơ cực của những gia đình có những người thân đang bị bệnh. Khác biệt giữa ATM gạo và ATM oxy ở chính tính cấp bách của oxy và chỉ có đơn vị đặc biệt mới có thể sang chiết.

Vị doanh nhân này cho hay, hiện đang triển khai thí điểm 6 ATM Oxy tại quận 7, quận 8, quận 10, quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Dự kiến tiếp theo dự án sẽ triển khai khoảng hơn 20 điểm trên tất cả địa bàn quận, huyện, TP. Thủ Đức để thuận tiện hơn cho việc hỗ trợ cho mọi người.

Bệnh nhân cần đổi bình oxy có thể liên hệ đường dây nóng (+84) 796 55 5564. Các tình nguyện viên quận Đoàn sẽ chở oxy bằng xe máy đến tận nhà. Với người chưa có bình và hoàn cảnh khó khăn, ATM-Oxy sẽ cho mượn miễn phí.

Anh Tuấn Anh cho biết, sau 2 ngày triển khai dự án này, nhóm của Anh đã nhận được vài trăm cuộc gọi của các F0, F1 muốn đổi và mượn bình oxy. Với số lượng lớn như trên, anh Tuấn Anh thừa nhận hệ thống đang quá tải.

Tuy nhiên, dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ Hội doanh nhân trẻ TP.HCM và đã kêu gọi được số tiền lên đến cả tỷ đồng. Hiện tại, nhóm sẽ nhanh chóng triển khai thêm nhiều trạm khác để khắc phục tình trạng quá tải này.

Anh Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đơn vị đồng hành cùng anh Tuấn Anh trong dự án ATM Oxy chia sẻ: "Hiện tại, các F0, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà nên không thể đem bình oxy đi đổi, số lượng tài xế giao hàng công nghệ hạn chế, xe tải của các trung tâm sang chiết oxy đã quá tải. Những điều này khiến việc tìm mua, đổi bình oxy trở nên nan giải. ATM Oxy sẽ tăng cường đội xe đổi oxy hàng ngày để nâng công suất sử dụng các bình lên 3-4 lần".

Không giống với dự án “ATM gạo”, lần này Tuấn Anh thừa nhận việc triển khai "rất khác". Gạo hay thực phẩm dễ tiến hành và sử dụng nhưng với oxy, nguồn cung không nhiều trong khi thu, nạp và vận hành nó cũng cần theo đúng quy chuẩn. Sắp tới, để người dùng dễ dàng sử dụng, công ty và Thành đoàn TP.HCM sẽ kết hợp với Sở Y Tế để hướng dẫn trực tuyến cách sử dụng cho các F0, F1.

Vì vậy, “cha đẻ” của ATM gạo kêu gọi mọi người quyên góp các bình hàn gió đá để vệ sinh rồi nạp oxy y tế tiếp tế cho bệnh viện, bệnh nhân mượn miễn phí. anh Tuấn Anh cũng kêu gọi mọi người tham gia làm tình nguyện viên để chuyên chở, vận chuyển bình đến các điểm có nhu cầu mượn.

“Dự án vẫn rất cần các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các nhà cung cấp chung tay ủng hộ và giành lại sự sống cho những bệnh nhân đang thiếu oxy”, anh Tuấn Anh nói.

Nguyện vọng của anh Tuấn Anh sắp tới là ngoài việc hỗ trợ các bệnh nhân, các F0 tại nhà, trong giai đoạn 2 ATM Oxy sẽ hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng dự kiến là 5.000 tới 10.000 bình.

Giai đoạn 3 ATM-Oxy sẽ cho các bệnh viện mượn để sau này TP.HCM giảm dịch thì có thể hỗ trợ các tỉnh thành khác trên cả nước. Giai đoạn tiếp theo sẽ cần bổ sung đến bình nhập khẩu.

“Cha đẻ” ATM Oxy tin tưởng rằng, cộng đồng cùng đoàn kết chung tay "Trao oxy - nối dài sự sống", để không ai bị bỏ lại phía sau, tất cả mọi người được khoẻ mạnh, sớm hoạt động, sản xuất và học tập trở lại.

H.A

Xem thêm:  TP.HCM: Độc đáo ‘siêu thị trên xe buýt’ bán hàng bình ổn giá cho dân