Chân dung "cha đẻ" của trợ lý ảo Vivi trên xe VinFast
Mới đây,đoạn video thử nghiệm ngắn được cho là của đội ngũ phát triển ViVi lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận dậy sóng. Được biết, trợ lý ảo thuần Việt được thử nghiệm trên một mẫu xe VinFast cùng một màn hình trung tâm cỡ lớn, nhưng không giống các mẫu xe đang bán của hãng. Câu lệnh để gọi trợ lý là Hey, VinFast, tương tự các trợ lý ảo nổi tiếng khác, như Hey, Google hay Hey, Siri (với thiết bị Apple).
Trợ lý ảo Vivi có thể hiểu và phản hồi bằng tiếng Việt, tra cứu thông tin, thực hiện một số lệnh như gọi điện, thay đổi một số cài đặt trên xe hơi. Ít người biết rằng, cha đẻ của trợ lý ảo Vivi lại là một giáo sư người Việt khá kín tiếng.
Người mà chúng tôi nhắc đến chính là Giáo sư Vũ Hà Văn (sinh ngày 12/6/1970 tại Hà Nội) nguyên quán ở Nam Định) là con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương và dược sĩ Đào Thị Hường. Vũ Hà Văn học trung học tại trường Chu Văn An và Hà Nội - Amsterdam. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông được cấp học bổng sang học ở Hungary. Lúc đầu, ông học khoa điện tử, nhưng sau một năm rưỡi ông chuyển sang học toán học ở Đại học Eötvös Loránd và đậu cử nhân toán học năm 1994.
Ông đậu bằng tiến sĩ Toán học tại Đại học Yale, Hoa Kỳ, dưới sự hướng dẫn của giáo sư László Lovász. Sau thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu cấp cao (IAS) Princeton và tại Ban Nghiên cứu của Microsoft. Từ năm 2001 đến 2005, ông làm việc ở Đại học California tại San Diego, trong chức vụ phụ tá giáo sư, phó giáo sư rồi giáo sư (full professor). Từ mùa thu năm 2005, ông trở thành giáo sư toán học tại Đại học Rutgers và từ năm 2011 là Giáo sư Đại học Yale (nơi ông bảo vệ luận án tiến sĩ, năm 1998). Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Paris 6 năm 2006.
Giáo sư Vũ Hà văn cùng bố của ông
Năm 2018, ông tham gia Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn do Tập đoàn Vingroup thành lập với vai trò Giám đốc khoa học, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata (thuộc tập đoàn Vingroup), Giáo sư Vũ Hà Văn đã bắt tay vào những dự án nghiên cứu về bộ gen người Việt, giải pháp ứng dụng AI xử lý hình ảnh y tế, thử nghiệm xe điện tự hành cấp độ 4 ở Nha Trang và mới đây nhất là sự xuất hiện của trợ lý ảo Vivi trên xe VinFast không hề thua kém Siri, Alexa hay Google Assistant.
Giáo sư Vũ Hà Văn từng nói: "Nhiều người hay hỏi “Học toán để làm gì?”. Tôi thường nhìn sự việc hàng ngày dưới con mắt thống kê. Toán học không phải điều gì cao siêu mà thật ra là cần thiết với tất cả mọi người."
Giáo sư Vũ Hà Văn là chuyên gia hàng đầu thế giới về toán học với nhiều giải thưởng danh giá, một trong những người tiên phong mở ra thời kỳ "hoàng kim" cho Toán học Việt Nam cùng với Giáo sư Ngô Bảo Châu. Lĩnh vực ông nghiên cứu bao gồm: Toán học tổ hợp, xác suất và lý thuyết số cộng tính.
Giáo sư Vũ Hà Văn cùng 2 cậu con trai
Về thành tựu khoa học, năm 2002, Giáo sư Vũ Hà Văn giành các giải thưởng Sloan fellowship và NSF Career Award dành cho các nhà khoa học trẻ tại Mỹ. Năm 2008, GS đoạt giải Polya (SIAM) của Hội toán công nghiệp (SIAM) dành cho công trình nghiên cứu về tập trung độ đo. Tính đến nay, số nhà toán học được tặng Giải thưởng Polya còn khá ít, và họ đều là những nhà toán học hàng đầu.
Chỉ bốn năm sau đó, ông nhận giải thưởng Fulkerson của Hội toán học Mỹ (cùng với J. Kahn và A. Johansson) về lời giải cho bài toán Shamir trong lý thuyết đồ thị. Cùng năm, GS trở thành thành viên danh dự của hội toán học Mỹ.
Giáo sư cho rằng công nghệ dữ liệu sẽ là vũ khí giúp Việt Nam "đi tắt đón đầu" và ứng dụng vào các ngành y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải... Sự ra đời của chiếc xe điện tự hành hay trợ lý ảo Vivi là một vài minh chứng rõ nét nhất.
Trước khi đến Vingroup, Giáo sư Vũ Hà Văn đã thường xuyên tiến hành giảng bài ở Việt Nam, tham gia chia sẻ và trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà toán học trẻ, các sinh viên toán trong nước. Ông cũng là người có nhiều trăn trở với sự phát triển của khoa học - công nghệ và giáo dục nước nhà: "Có những bài toán nếu không phải người Việt làm thì ai làm?"
Giáo sư Vũ Hà Văn
Cùng với nhà giáo Phạm Toàn, và giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn mở một trang mạng giáo dục với tên là Học thế nào chính thức hoạt động vào ngày 1/5/2013 với kỳ vọng đóng góp vào việc tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục Việt Nam.
Trong một cuộc trò chuyện với báo chí năm 2016, Giáo sư Vũ Hà Văn tâm sự: "Ngành toán học (xác suất và toán rời rạc) mà tôi theo đuổi mang tính ứng dụng rất mạnh. Hiện tại vai trò của nó trong phát triển kỹ nghệ ở Mỹ rất lớn, nhất là trong công nghệ tin học. Hy vọng một lúc nào đó những kiến thức đó cũng sẽ hữu dụng tại Việt Nam."
Có lẽ, thời điểm mà ông chờ đợi đã đến, khi Việt Nam tiến bước mạnh mẽ vào cách mạng công nghiệp 4.0 và tập đoàn Vingroup quyết tâm tạo ra công nghệ phục vụ cho người Việt.
Việc Giáo sư Vũ Hà Văn trở về Việt Nam để thành lập Viện VinBigdata được Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Võ Quang Huệ nhận định là "khởi đầu hành động tốt nhất cho những sản phẩm Made in Vietnam, Made by Vietnamese sắp tới".
GS Vũ Hà Văn từng nói với báo giới rằng làm ra một vài sản phẩm ngay lập tức thay đổi nền kinh tế là điều không tưởng, bởi nền tảng khoa học công nghệ trong nước hiện còn yếu. Nhưng với việc xây dựng big data, bằng cách tận dụng công nghệ tiên tiến thế giới vào những ứng dụng thiết thực trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hoàn toàn có thể "đi tắt đón đầu".
Huy Hùng
Xem thêm: Andy Jassy – CEO mới của Amazon khác gì Jeff Bezos?