Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn còn hạn chế
(DNVN) - Động lực quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp (DN) áp dụng công nghệ mới sẽ cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công DN phải thấm nhuần tinh thần muốn đi nhanh phải đổi mới công nghệ, cập nhật công nghệ nhanh nhất, kể cả công nghệ số đặc biệt cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như thay đổi tư duy và kỹ năng thích ứng.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn thuế Việt Nam (PWC) xung quanh việc chuyển đổi số và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Thưa bà, hiện Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã có những nỗ lực vượt bậc để trở thành đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên toàn cầu. Vậy bà đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay?
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân: Dựa trên khảo sát, điều tra của PWC trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh được coi là “điểm đến” của các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá mà ngay cả trong nước, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng có những lạc quan nhất định về môi trường kinh doanh Việt Nam, mặc dù vẫn còn những khó khăn, hạn chế đang tồn tại. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh, chỉ số về chi phí tuân thủ pháp luật… đều cải thiện đáng kể khi Việt Nam tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh, là quốc gia tăng mạnh nhất thế giới. Điều đó đã phần nào chứng minh môi trường kinh doanh của Việt Nam đã hấp dẫn hơn nhiều so với trước.
Tuy nhiên, về khó khăn và thách thức, Việt Nam vẫn đang còn khá nhiều vấn đề mà DN phải đối mặt. Điển hình là về cơ sở hạ tầng, chúng ta vẫn đang thiếu, mặc dù trong những năm vừa qua, các nhà đầu tư và Chính phủ đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cứng như đường xá, cầu cảng, điện, nước… và cơ sở hạ tầng mềm như năng lực quản trị, nguồn nhân lực có chất lượng cao, có kỹ năng… Phải nói rằng, cả hai loại cơ sở hạ tầng đó, chúng ta vẫn còn yếu, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao. Chúng ta cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để có thể nhận được những khoản đầu tư tốt hơn, hút được các nguồn vốn mà chúng ta mong muốn..
Theo bà thế nào là nguồn nhân lực có chất lượng cao, hay nói cách khác là có đủ kỹ năng? Và bà đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực của Việt Nam?
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân: Nói về nguồn nhân lực, không chỉ ở Việt Nam mà theo điều tra của PWC trên toàn cầu đầu năm nay, có tới 79% các CEO cho rằng vấn đề khó khăn nhất của họ là thiếu nhân lực có đủ các kỹ năng cần thiết. Như vậy, nguồn nhân lực thiếu kỹ năng là vấn đề của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế, DN băn khoăn, đặt câu hỏi: Kỹ năng mà nhân lực chất lượng cao cần có là gì? Tất cả các chuyên gia đều kết luận: Kỹ năng thích ứng, hay nói cách khác, kỹ năng sẵn sàng đáp ứng mọi thay đổi trong tương lai, là kỹ năng quan trọng nhất. Và, nhân lực có kỹ năng đó chính là nhân lực có chất lượng.
Mới đây, một nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam có thể cần đến 500.000 người làm về data. Nhưng theo tôi, đó mới chỉ là tính toán về số lượng người làm trong một lĩnh vực nhỏ là data thôi, còn kỹ năng phải hiểu là nhân sự đó không chỉ viết phần mềm data mà phải hiểu được nó và sẵn sàng ứng dụng nó trong công việc ở bất cứ thời điểm nào. Tiếp đó là kỹ năng sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng tiếp nhận những cái mới để ứng dụng trong công việc. Thời đại ngày nay, công nghệ luôn thay đổi, hôm nay có thể khác ngày hôm qua, không như trước đây, thế hệ cha mẹ của chúng ta có thể làm công việc 30 năm mà không có gì thay đổi. Thậm chí bây giờ còn khác xa nữa là chúng ta không thể hình dung được ngày mai công việc sẽ thay đổi như thế nào.
Hiện nguồn nhân lực của Việt Nam, một phần của cơ sở hạ tầng mềm, còn rất yếu. Ngay cả DN, những người tuyển dụng và sử dụng lao động còn hiểu rất hạn chế về số hóa, kỹ thuật số, chẳng hạn như kinh tế số thực sự là gì, ảnh hưởng như thế nào đến DN?… Nhiều DN chỉ hiểu đơn giản là đầu tư vào công nghệ là được. Nhưng không phải, đó chỉ là một phần rất nhỏ, điều quan trọng nhất là con người. Bởi nếu chúng ta đầu tư vào công nghệ mà không có người làm chủ nó, hiểu biết nó đến tận “chân tơ kẽ tóc” để sử dụng và ứng dụng nó vào công việc, nâng cao hiệu suất công việc, thì đó là đầu tư không hiệu quả. Cho nên, trong nền kinh tế số, quan trọng nhất là thay đổi tư duy của mỗi người, đó chính là cuộc cách mạng về tư duy. Mỗi người trong DN, bản thân từng người, phải thay đổi.
Do đó, không có cách nào khác người lao động phải liên tục trau dồi, học hỏi, trang bị kiến thức để biết ứng dụng công nghệ vào công việc tốt nhất, tốt hơn cả vào ngày mai. Chúng ta cần xác định rõ, nâng cao năng lực là một quá trình liên tục, không bao giờ ngưng nghỉ, bởi đáp ứng sự thay đổi về công nghệ là sự đáp ứng không bao giờ đủ. Bên cạnh đó, thay vì chỉ nói quá nhiều đến công nghệ, Chính phủ phải khuyến khích sự thay đổi tư duy ở mỗi người lao động, mỗi DN, để họ hiểu, tiếp nhận và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả..
Xin cảm ơn bà!