Châu Âu đang làm gì để vượt qua 'cơn bão' năng lượng?

Trà My 17:31 | 11/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang “vắt kiệt” nguồn tài chính của các hộ gia đình bình thường và có thể dẫn tới tình trạng mất điện và đóng cửa nhà máy trong những tuần tới. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo suy thoái đang đến gần.

 

Theo hãng tin AP, việc Nga cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ mà châu Âu vẫn phụ thuộc trong nhiều năm để vận hành nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho những ngôi nhà là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng.

 

  Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 tại Đức ngày 8/3/2022. (Ảnh: Reuters) 

 

Trước tình hình này, các chính phủ châu Âu đang nỗ lực tìm nguồn cung mới và giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc và hóa đơn năng lượng của hộ gia đình gia tăng.

Vấn đề đặt ra đối với các nhà lãnh đạo hiện nay là làm thế nào để giảm bớt gánh nặng cho người nghèo – đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước đà tăng của hóa đơn điện, khí đốt và thực phẩm, đồng thời làm dịu thị trường điện và khí đốt khi giá tăng gấp hơn 10 lần.

Dưới đây là thông tin mới nhất về những nỗ lực của châu Âu nhằm tránh một thảm họa năng lượng:

  Giá khí đốt giữa năm 2022 cao gấp 10 lần đầu năm 2021. 

Nga có cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu?

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã trở nên trầm trọng hơn khi tập đoàn Gazprom của Nga cho biết đường ống dẫn khí chủ chốt đến Đức (Nord Stream 1) phải đóng cửa vô thời hạn.

Nguyên nhân là sự cố rò rỉ dầu trong turbine và những vấn đề không thể khắc phục được do các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn cản nhiều giao dịch với Nga.

Các quan chức châu Âu đã cáo buộc động thái của Nga là “vụ tống tiền” năng lượng, nhằm gây sức ép và chia rẽ Liên minh châu Âu (EU) vì đã hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.

Việc dừng hoạt động của đường ống Nord Stream 1 (NS1) đồng nghĩa với nguồn cung khí đốt từ Nga giảm 89% so với một năm trước. Bên cạnh NS1, vẫn còn một số đường ống dẫn khí đốt từ Nga chảy đến châu Âu, trong đó có một đường ống đi qua Ukraine đến Slovakia và một đường ống khác băng qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó đến Bulgaria.

Nga đã bắt đầu cắt giảm khí đốt ngay từ mùa hè năm ngoái, trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Điều này đã khiến giá khí đốt tăng mạnh. Sau đó, việc Gazprom cắt đứt nguồn cung cho một số quốc gia châu Âu càng khiến giá cao hơn.

Trong bối cảnh nguồn cung từ Nga đã giảm kể từ hơn một năm trước, các quan chức cho rằng châu Âu cần sẵn sàng để không dùng đến khí đốt của Nga trong mùa đông này.

Tại sao khí đốt Nga lại quan trọng đến vậy?

Trong nhiều thập kỷ, châu Âu phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga. Không có nguồn nhiên liệu này, đà tăng của giá năng lượng đang đe dọa gây ra suy thoái trong mùa đông khi mức lạm phát kỷ lục khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do chi phí thực phẩm, nhiên liệu tăng vọt.

Việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung từ Nga có thể giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế đã gặp khó khăn của châu Âu.

Ngoài đáp ứng nhu cầu sưởi ấm và sản xuất điện, khí đốt còn được sử dụng trong nhiều quy trình sản xuất công nghiệp mà ít người nghĩ đến như rèn thép để chế tạo ô tô, làm chai thủy tinh, thanh trùng sữa và pho mát.

Các doanh nghiệp cảnh báo rằng họ thường không thể chuyển sang những nguồn năng lượng khác như dầu hoặc điện để sản xuất trong đêm. Hơn nữa, khi nhiều người tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu thay thế, giá dầu và than đá cũng tăng.

 

Chỉ có giá khí đốt tăng cao?

Không chỉ giá khí đốt, giá điện cũng tăng chóng mặt do khí đốt là nhiên liệu chính để sản xuất điện. Đáng lo ngại hơn, nguồn điện sản xuất từ các loại năng lượng khác cũng sụt giảm, do những vấn đề không liên quan đến Nga.

Hạn hán đã làm suy yếu sản lượng của các nhà máy thủy điện. Thời tiết nắng nóng đã hạn chế việc sử dụng nước sông để làm mát các nhà máy điện và mực nước thấp hơn trên sông Rhine của Đức cũng làm giảm nguồn cung than cho nhà máy điện do khó khăn trong vận tải.

Tại Pháp, 56 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động nửa công suất do vấn đề trong các đường ống chính cũng như hoạt động sửa chữa, nâng cấp và kiểm tra an toàn.

Một chuyện trái khoáy là Pháp đang bàn việc gửi khí đốt sang Đức, còn Đức đang xuất khẩu điện sang Pháp. Thông thường, Pháp và Đức sẽ hoán đổi hai vai trò này với nhau.

Các nhà phân tích tại Rystad Energy cho rằng châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng ngay trong tháng này và mùa đông năm nay sẽ là thách thức rất lớn đối với hệ thống cung ứng điện châu Âu.

Sự chuẩn bị của châu Âu

Châu Âu đã tìm kiếm tất cả nguồn cung khí đốt thay thế có thể, với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và khí đốt từ Na Uy và Azerbaijan. Đức cũng đang duy trì hoạt động của các nhà máy than vốn đã lên kế hoạch đóng cửa để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

27 quốc gia EU đã thông qua kế hoạch giảm sử dụng khí đốt 15% vào tháng 3 tới, để bù đắp sự sụt giảm lượng khí đốt từ Nga. Chính phủ các nước cũng có chương trình hỗ trợ công ty tiện ích buộc phải trả giá cao cho khí đốt của Nga và hỗ trợ tiền mặt cho những hộ gia đình gặp khó khăn. Các tòa nhà công cộng đang điều chỉnh lại nhiệt độ và tắt đèn để tiết kiệm năng lượng.

Giờ đây, các quan chức EU cho rằng đã đến lúc can thiệp vào thị trường năng lượng. EU đã đề xuất áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga để hạn chế lạm phát năng lượng và giảm lượng tiền chảy từ châu Âu sang Nga. Một biện pháp khác là giới hạn mức trần lợi nhuận của các công ty năng lượng và sử dụng số tiền thu được để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp.

Điều quan trọng nhất là trong ngắn hạn, châu Âu đã lấp đầy được 83% kho dự trữ cho mùa đông. Mức dự trữ vẫn tiếp tục tăng ngay cả sau khi NS1 ngừng hoạt động, làm dấy lên hy vọng châu Âu có thể vượt qua “cơn bão” sắp tới.