Chuyên gia: Suy thoái ở châu Âu có thể góp phần hạ nhiệt lạm phát tại Hoa Kỳ

Phương Lê (theo Business Insider) 08:00 | 14/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Châu Âu khó tránh khỏi một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, mất mát của châu Âu có thể giúp Hoa Kỳ hạ nhiệt lạm phát và cứu hàng triệu người lao động.

Trong tháng 8, các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính xác suất rơi vào suy thoái của châu Âu và Hoa Kỳ trong 12 tháng tới lần lượt là 60% và 30%. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, và châu Âu suy thoái trước Hoa Kỳ, điều này có thể giảm khả năng Hoa Kỳ chịu chung số phận. 

Bà Claudia Sahm, cựu chuyên gia kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) viết trong bài đăng hồi tháng 9: “Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, nhà sản xuất dầu mỏ và khí tự nhiên lớn nhất, có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất, đủ sức chịu đựng trước cơn bão từ châu Âu". 

FED đang thắt chặt chính sách tiền tệ để khống chế lạm phát. FED tăng lãi suất càng mạnh, nguy cơ Hoa Kỳ rơi vào suy thoái nhẹ ngày càng cao và sau đó có thể trải qua giai đoạn đau đớn hơn. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái ở châu Âu có thể giúp Hoa Kỳ giảm sức ép lạm phát, thoát khỏi rủi ro suy thoái và cứu hàng triệu việc làm.

 Ảnh minh họa: Getty Images. 

Lạm phát có thể hạ nhiệt nhờ xuất khẩu giảm và đồng USD mạnh

Năm 2021, Hoa Kỳ xuất khẩu 270 tỷ USD hàng hóa sang Liên minh Châu Âu (EU), tương đương gần 15% tổng lượng xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất hành tinh ra thế giới. Chiếm tỷ trọng lớn là sản phẩm hàng không vũ trụ, nhiên liệu hóa thạch và máy móc.

Suy thoái ở châu Âu có thể làm giảm nhu cầu đối với tất cả loại hàng hóa này, qua đó làm giảm xuất khẩu của Hoa Kỳ vì người tiêu dùng châu Âu giảm sức mua, đồng euro suy yếu. Điều này có thể xoa dịu áp lực giá ở Hoa Kỳ khi nguồn cung trở nên dư thừa hơn. Ngược lại, đồng USD mạnh lên cũng làm giảm chi phí nhập khẩu hàng hóa, góp phần hạ nhiệt lạm phát của Hoa Kỳ.

Nói về điều này, ông Desmond Lachman, thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ trả lời phỏng vấn với Business Insider rằng xu hướng đồng USD mạnh lên có thể tiếp diễn trong những tháng tới và có khả năng “giúp ích cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lạm phát”.

Ông nhấn mạnh: “Đồng USD mạnh lên sẽ làm giảm chi phí nhập khẩu hàng từ châu Âu. Trong khi đó, sự suy yếu của nền kinh tế châu Âu sẽ đẩy nhanh sự sụt giảm của việc giao thương hàng hóa quốc tế”. Ngược lại, đồng euro yếu khiến hàng hóa Hoa Kỳ trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu, làm giảm sức mua sản phẩm từ Hoa Kỳ, giúp lạm phát hạ nhiệt. 

Tất nhiên đồng USD mạnh cũng sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp đa quốc gia của Hoa Kỳ. Khi doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyển doanh thu từ châu Âu sang nội tệ, đồng USD trở nên mạnh mẽ làm giảm lợi nhuận. Điều này có thể làm mất 100 tỷ USD lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp thuộc danh sách S&P 500. Sự sụt giảm này có thể làm tổn hại đến một số doanh nghiệp nhưng giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể dễ dàng vượt qua khó khăn nhờ tiêu dùng nội địa mạnh mẽ.

Cùng đó, dòng tiền chảy vào túi doanh nghiệp ít đi có thể là tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lạm phát. Khi lợi nhuận giảm, giá cổ phiếu cũng thường hạ theo, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn để xem xét danh mục đầu tư. Quan trọng hơn, lợi nhuận giảm đồng nghĩa với doanh nghiệp rót ít tiền đầu tư, điều này ở một góc độ nào đó cũng góp phần hạ nhiệt lạm phát.

Mặc dù giá năng lượng Hoa Kỳ đã bắt đầu đi xuống trong những tháng gần đây, sự chững lại của nền kinh tế châu Âu có thể giúp giá dầu trong tầm kiểm soát. Ông Patrick De Haan, Trưởng nhóm phân tích xăng dầu tại GasBuddy nói rằng tuy Hoa Kỳ đang cung cấp thêm khí tự nhiên cho châu Âu, một cuộc suy thoái có thể “tạo ra áp lực giảm giá” với khí đốt ở Hoa Kỳ.

Lạm phát tại Hoa Kỳ không dễ "dập tắt"

Ở chiều ngược lại, suy thoái ở châu Âu nếu xảy ra sẽ là viễn cảnh tồi tệ có thể khiến hàng triệu người lao động trong chính khu vực này bị đẩy vào tình cảnh khó khăn. Thậm chí với Hoa Kỳ, một cuộc suy thoái ở châu Âu sẽ làm suy yếu một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất và làm tăng biến động trên thị trường tài chính thế giới, ông Lachman nhận định. 

Ngoài ra, suy thoái sẽ không phải là liều thuốc chữa lạm phát Hoa Kỳ. Giá cả tăng chịu tác động bởi nhiều yếu tố bao gồm hạn hán ở Brazil, cúm gia cầm và chiến sự Ukraine. Sự suy thoái ở châu Âu sẽ không giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong số đó. Điều tương tự cũng xảy ra đối với chi phí nhà ở của Hoa Kỳ, vốn đã tăng 5,7% trong tháng 7, do thiếu nguồn cung xuất phát từ một vài lý do. 

Nói chung, sự suy thoái kinh tế châu Âu nhiều khả năng có thể giúp Hoa Kỳ kiềm chế lạm phát và tránh được suy thoái. Nhưng nếu Hoa Kỳ bước vào thời kỳ suy giảm nghiêm trọng, nước này sẽ kỳ vọng vào chi tiêu của châu Âu để có thể đem đến cú hích cho nền kinh tế.