Châu Âu sẽ 'vượt qua' mùa đông khi thiếu khí đốt Nga?

Phương Lê (theo The Financial Times) 07:30 | 11/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tờ Financial Times nhận định, nhờ vào nguồn cung thay thế, khí đốt dự trữ, Châu Âu có thể khắc phục hậu quả của lệnh cấm vận khí đốt từ Nga.

 

Nga đã sử dụng các hạn chế đối với nguồn cung khí đốt sang châu Âu như một vũ khí kinh tế. Hầu như không có cách nào để châu Âu thoát khỏi một cuộc suy thoái, nhưng nó sẽ không sâu và kéo dài. Đây là con bài kinh tế cuối cùng của Nga. Chừng nào châu Âu đảm bảo rằng các nền kinh tế của họ sống sót qua mùa đông thì vụ tống tiền của Nga sẽ thất bại. 

Nền kinh tế châu Âu rất dễ bị tổn thương. Với việc đường ống Nord Stream 1 đang hoạt động chỉ 20% công suất và các đường ống khí đốt khác đến Đông Âu đang bị đe dọa, một số quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông này. 

Theo IMF, ngay cả khi lượng khí dự trữ của châu Âu cao hơn năm ngoái, lệnh cấm vận khí đốt hoàn toàn của Nga sẽ khiến Đức, Ý và Áo thiếu 15% so với mức tiêu thụ mong muốn. 

Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary sẽ thiếu hụt tới 40% mức tiêu dùng thông thường. Tất cả các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với giá cả tăng vọt. Hiện tại, giá khí đốt bán buôn ở châu Âu đã gần 200 euro/megawatt giờ, cao gấp 8 lần so với giá trước khủng hoảng là 25 euro.

Khi giá của một mặt hàng thiết yếu nhập khẩu tăng cao, thu nhập thực tế và khả năng chi tiêu của các hộ gia đình cho những mặt hàng không thiết yếu chắc chắn sẽ giảm xuống. 

Ngân hàng Trung ương Anh dự báo vào tuần trước rằng suy thoái là điều không thể tránh khỏi và quan điểm này sớm được nhân rộng bởi các nhà dự báo trong khu vực đồng euro. Ngay cả Pháp, với việc sử dụng rộng rãi năng lượng hạt nhân cũng sẽ khó tìm thấy lối thoát, bởi vì ngành điện nước này có vấn đề về độ tin cậy. 

Nếu thương mại xuyên biên giới bị cắt giảm, các ngành công nghiệp không được cung cấp nhiên liệu, một số quốc gia sẽ chứng kiến người thất nghiệp tăng lên. Đó là một kết cục ảm đạm không thể tránh khỏi cho châu Âu.

Cách phòng thủ quan trọng cho châu Âu là tìm nguồn cung thay thế. 

Hiện tại, Đức đã thay thế phần lớn khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên dạng lỏng (LNG), được vận chuyển trên các tàu đến Hà Lan hoặc Anh và được bơm tới các cơ sở lưu trữ của Đức. Đến tháng 12, Đức sẽ đưa vào vận hành kho chứa LNG đầu tiên và cơ sở hạ nhiệt hóa LNG mà chính phủ đã thuê.

Ngành công nghiệp năng lượng châu Âu đang nhanh chóng thay đổi quy trình sản xuất để sử dụng điện và các nhiên liệu khác thay cho khí đốt nếu có thể, hoặc nhập khẩu hàng hóa bán sản xuất từ ​​bên ngoài EU, nơi khả năng tiếp cận khí đốt dồi dào. 

Trong sản xuất điện, than đá tạm thời được khôi phục một cách hợp lý, bất chấp những hậu quả về môi trường. Đức cuối cùng đang cân nhắc việc đóng cửa sớm ngành công nghiệp hạt nhân. Công suất sản xuất điện tái tạo ở châu Âu dự kiến ​​sẽ tăng 15% trong năm nay, giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Sau khi nguồn cung thay thế thống nhất trong toàn châu Âu, IMF cho rằng việc chia sẻ khí đốt xuyên biên giới nhiều hơn có thể làm giảm đáng kể tổn thất ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cụ thể là giảm gần một nửa tác động đến các nền kinh tế ở Trung và Đông Âu với chi phí thấp cho những nước cho phép khí đốt chảy qua. 

Khi cơ sở hạ tầng xuyên biên giới được cải thiện, khả năng bơm khí từ Tây Âu sang phía đông trong tương lai hầu như sẽ loại bỏ các tác động kinh tế của lệnh cấm vận khí đốt.

Các hộ gia đình cũng được kêu gọi cắt giảm tiêu thụ năng lượng để đối phó với rủi ro thiếu khí đốt vào mùa đông. 

Các chính sách như vậy có thể làm giảm tác động tồi tệ nhất trong mùa đông này từ mức thiệt hại GDP khoảng 6% ở Trung Âu xuống còn 1/3, trong đó nền kinh tế EU chỉ bị ảnh hưởng 1,8%, ít hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính. 

Quan trọng nhất, bất kỳ sự sụt giảm nào trong sản lượng kinh tế sẽ chỉ là tạm thời. Mỗi mùa đông, nguồn cung thay thế sẽ cải thiện đáng kể. Các nền kinh tế tiên tiến của phương Tây một lần nữa sẽ thể hiện khả năng phục hồi và tính linh hoạt của mình.

Mặt khác, nền kinh tế Nga sẽ bị giáng một đòn nặng nề nữa. Vốn đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lệnh trừng phạt và không thể nhập khẩu hàng hóa cần thiết cho sản xuất, Nga sẽ sớm mất lĩnh vực xuất khẩu chính của mình là nhiên liệu hóa thạch cho châu Âu.