Ngân hàng trung ương Thái Lan tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 4 năm
Với tỷ lệ phiếu 6-1, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BoT đã nhất trí tăng lãi suất cơ bản từ 0,5% lên 0,75%. Chỉ có một thành viên bỏ phiếu tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 1%.
Lần cuối cùng BoT nâng lãi suất cơ bản là vào tháng 12/2018 và đã duy trì ở mức thấp kỷ lục 0,5% kể từ tháng 5/2020.
Theo Thư ký MPC Piti Disyatat, lạm phát tại Thái Lan sẽ vẫn ở mức cao trong một thời gian tới. MPC đánh giá rằng chính sách tiền tệ đặc biệt được thực hiện để đối phó với đại dịch COVID-19 đã trở nên ít cần thiết hơn.
Áp lực từ lạm phát ở Thái Lan đã tăng lên trong thời gian qua, với tỷ lệ lạm phát toàn phần chạm mức 7,61% trong tháng Bảy, gần bằng mức cao nhất trong 14 năm ghi nhận trong tháng Sáu là 7,66%. Điều đó đã buộc Bộ Thương mại nước này phải nâng dự báo lạm phát trung bình năm 2022 từ khoảng 4 - 5% đưa ra trước đó lên khoảng 5,5 - 6,5%. BoT vẫn duy trì dự báo lạm phát hàng năm ở mức 6,2%.
BoT dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm nay sẽ là 3,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Đối với năm 2023, BoT dự báo tăng trưởng GDP là 4,2%. Việc tăng lãi suất cho thấy BoT đang chuyển trọng tâm sang cách thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ngăn chặn lạm phát có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith ngày 10/8 cho rằng các ngân hàng thương mại trong nước không nên vội vàng tăng lãi suất sau động thái của BoT.
Bộ trưởng Tài chính Arkhom cũng như Thống đốc BoT Sethaput Suthiwartnarueput tin rằng các động thái từng bước đủ để chống lại lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng, ngay cả khi các nước châu Á từ Philippines đến Ấn Độ đã tăng lãi suất hơn 100 điểm cơ bản trong năm nay để đối phó với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trước đó, những người đứng đầu các ngân hàng nhà nước cho biết họ sẽ cố gắng giữ lãi suất ổn định trong thời gian có thể để khách hàng không bị ảnh hưởng bởi việc BoT tăng lãi suất cơ bản.