Chỉ 1/3 số kênh youtube bật kiếm tiền ở Việt Nam có kê khai và nộp thuế đầy đủ

20:15 | 13/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Nhưng trong đó chỉ có 30%, tương đương khoảng 5.000 kênh có kê khai và nộp thuế đảm bảo đầy đủ.
Thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền, trong đó có khoảng 350 kênh có doanh thu lớn, từ 1 triệu người đăng ký theo dõi kênh trở lên.
 
Tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam có kê khai và nộp thuế đảm bảo đầy đủ.
 
Trong khi đó, theo ước tính từ SocialBlade.com - chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới, các cá nhân đang sở hữu những kênh YouTube hàng đầu tại Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỉ đồng mỗi năm từ YouTube.
 
Mặc dù có nguồn thu “khủng” từ thị trường Việt Nam nhưng những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như YouTube hay Google, Facebook hay Netflix vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ thuế, đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý cho ngành Thuế.
 
Báo Lao động dẫn lời ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2019, các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài tổng số thuế 1.010 tỉ đồng (thuế giá trị gia tăng 535 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 475 tỉ đồng).
 
Bao nhiêu kênh youtube bật kiếm tiền ở Việt Nam có nộp thuế?
 
Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành, TMĐT càng nở rộ. Qua rà soát của Tổng cục Thuế, các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài tổng số thuế hơn 1.143 tỉ đồng (thuế giá trị gia tăng 518,9 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 624,8 tỉ đồng).
 
Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, trong số tiền thuế thu được, có trường hợp cá nhân tự giác kê khai và nộp thuế, nhưng cũng có trường hợp khi thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế phát hiện và truy thu theo quy định của pháp luật. Dù vậy các chuyên gia kinh tế đánh giá, con số 1.000 tỉ đồng mỗi năm nói trên là quá nhỏ bé so với quy mô của thị trường quảng cáo Việt Nam hiện nay.

Mới đây, Bộ Tài chính đang xây dựng các quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số, thể hiện tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
 
Một trong số các nội dung đáng chú ý của dự thảo là đề xuất cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký giao dịch điện tử và đăng ký thuế lần đầu thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế.
 
Theo cơ quan quản lý, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính dự kiến cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này được đăng ký giao dịch điện tử và đăng ký thuế lần đầu thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Sau khi đăng ký thuế, nhà cung cấp nước ngoài được cấp mã số thuế loại 10 số. Cơ quan quản lý cũng xây dựng các quy định về kê khai, nộp thuế theo hướng có nhiều phương án để nhà cung cấp nước ngoài lựa chọn.
 
Một là kê khai và nộp thuế trực tiếp hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế) tại Việt Nam thực hiện.

Với quy định này, các doanh nghiệp không có cơ sở kinh doanh cố định ở Việt Nam, nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam (nhà cung cấp nước ngoài) điển hình như Google, Facebook, YouTube, hay Netflix… sẽ phải thực hiện trách nhiệm đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế với cơ quan quản lý thuế Việt Nam.

Nếu các Google, Facebook, YouTube, hay Netflix… chọn việc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai, nộp thuế tại Việt Nam thì bên được ủy quyền sẽ thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài.
 
Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, hồ sơ, tài liệu và thông tin cần thiết liên quan tới việc làm thủ tục về thuế theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.
Trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, hoặc có đăng ký nhưng không khai, nộp thuế thì người mua hàng (nếu là tổ chức) hoặc ngân hàng, trung gian thanh toán (nếu người mua là cá nhân) có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài.
 
Đối với thuế cá nhân, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020) đã quy định rõ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng sẽ nộp 7% tính trên doanh thu.
 
Những hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, mức xử phạt hành chính là từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế; mức phạt đối với cá nhân là 1/2 mức tiền phạt đối với tổ chức.
 
 
Hà Ly