Chi phí logistics tại Việt Nam cao nhất thế giới
Chiến lược logistics còn “nửa nạc, nửa mỡ”
Theo TS. Võ Trí Thành, hoạt động logistics tại Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều vấn đề: “Chúng ta có chiến lược, có Hiệp hội logistics đã hoạt động từ lâu, nhưng chưa nói đến hình hài thì chuỗi hoạt động này ở ta rất manh mún, kiểu “nửa nạc nửa mỡ”, chưa có định hình rõ ràng” .
Cho đến nay, tại Việt Nam hiện nay có rất ít nghiên cứu bài bản về logistics. Ông Thành dẫn chứng, cách đây 4 năm mới có một đề tài khoa học về hoạt động này được xuất bản. Do đó theo ông Thành, việc học hỏi những năng lực cạnh tranh, việc tham gia chuỗi cung ứng và logistic của Việt Nam với các nước phát triển là rất quan trọng.
Ông Thành chỉ ra những điểm yếu của hệ thống logistics trong nước, và đây chính là những rào cản thách thức các doanh nghiệp Việt nếu muốn cạnh tranh phát triển lĩnh vực này. Đó là, dịch vụ logistics của Việt Nam nhập siêu rất lớn, trong khi đó chúng ta có rất nhiều tiềm năng như chiến lược biển, du lịch… nhưng lại không khai thác được.
Chi phí logistics của Việt Nam gần như cao nhất thế giới (16-17%). Trong đó có chi phí chính thức và chi phí không chính thức, khiến chuỗi cung ứng này tại Việt Nam đội giá lên rất nhiều so với các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này, ông Thành nhận định.
Giải thích hiện tượng này, ông Thành đưa ra ba lý do: “Thứ nhất, chúng ta có chính sách hỗ trợ nhưng chưa nhìn trong tổng thể nên vẫn tạo tổn phí vòng quanh, sửa là rất khó. Ví dụ, chúng ta muốn bảo hộ ngành ô tô, giá ô tô đắt nên chi phí vận tải đắt, đây là lý do tại sao chi phí taxi tại Việt Nam cao hơn Thái Lan. Chưa kể vòng luẩn quẩn giữa chi phí làm đường, chi phí vận tải và phát triển ngành ô tô. Thứ hai, chi phí phi chính thức rất cao. Thứ ba là ứng xử hành vi giữa doanh nghiệp với Nhà nước - doanh nghiệp biết sai vẫn làm vì đúng luật thì không có lợi nhuận, cạnh tranh và điều này lại tiếp tục khuyến khích các nhũng nhiễu”.
Đồng thời, theo ông Nguyên, với những chặng đường dài thì không quốc gia nào trên thế giới vận chuyển hàng bằng đường ô tô, mà chủ yếu họ vận chuyển bằng đường sắt và đường thủy. Duy có Việt Nam lại vận chuyển bằng đường ô tô. Và đó là một trong những nguyên nhân gia tăng chi phí logistics. Chưa kể nhiều lô hàng của công ty ông bị kiểm hóa, thời gian nằm chờ hàng tuần khiến chi phí tiếp tục bị đội lên gấp 4-5 lần…
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, sở dĩ chi phí logistics của Việt Nam cao là bởi bản thân dịch vụ này phải tính rất nhiều chi phí. Bên cạnh đó là vấn đề cơ chế chính sách, kiểm tra thông quan, thời gian chờ đợi…
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng trong nước chưa đủ điều kiện đáp ứng; các doanh nghiệp Việt chưa có phương thức quản trị hợp lý, chưa chuyên nghiệp nên gây ra lãng phí, tạo ra những bất cập cũng là những nguyên nhân khiến chi phí logistics trong nước tăng cao.
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, bờ biển dài hơn 3.000 km là những lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, về thực tế, hiện đa số doanh nghiệp logsitics nội địa đang hoạt động do quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ logistics 2PL mà cụ thể là dịch vụ vận tải hàng hóa.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp (phổ biến là 3PL) vốn không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa mà còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác như thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói và phân phối sản phẩm.
Khẳng định thêm về những bất cập trong thực thi các dịch vụ logistics tại Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho rằng, những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển của ngành logistics Việt Nam là do hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ, chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ.
Cùng với đó, quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa. Vận tải biển nội địa chưa được phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ; sự phát triển thiếu quy hoạch và thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cảng như kho, bãi, trung tâm logistics; thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau.
Phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài
Để nâng cao tính cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng logistics tại Việt Nam, theo TS. Võ Trí Thành, các doanh nghiệp trong nước phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài: “Singapore có tầm nhìn chiến lược trong vòng 50 năm tới, và quan điểm thông suốt của họ là phải luôn dẫn đầu: Hoặc là số 1 hoặc không là gì cả. Và chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm này của bạn”.
Cần có các cơ chế chính sách tốt để tạo ra sức cạnh tranh cho chuỗi cung ứng logistics trong nước. Theo ông Thành, sở dĩ Chính phủ cần tạo cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là bởi logistics phải đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi vốn rất dài, có tính rủi ro cao…, nên các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về vốn, thuế và gắn với đặc khu…
“'Bài học kinh nghiệm từ các nước lớn, nước ta cần xác định vị trí, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, nằm gần các trung tâm kinh tế thương mại lớn. Xác định được quỹ đất, chi phí và triển vọng cho nó trong hàng chục năm tới như thế nào. Ngoài ra, với vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao nên cần có chính sách đặc thù về thuế, hỗ trợ vốn, gắn với đặc khu để thu hút đầu tư", ông Thành khuyến nghị.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, điều quan trọng là Trung tâm logistics phải được quản lý như một cơ quan pháp lý duy nhất và trung lập, cần phải đảm bảo sự hợp tác đồng bộ và hợp tác thương mại. Đồng thời, cần có các quy định rõ ràng và hợp lý cho hoạt động chuyên môn, nhất là các khâu kiểm tra chuyên môn, chuyên ngành.
Trung tâm logistics phải đạt được các tiêu chuẩn và hiệu suất chất lượng tương đương của châu Âu để cung cấp các giải pháp vận chuyển thương mại mang tính toàn cầu và phát triển bền vững.