Chỉ số CPI được dự báo giảm trong tháng 10

07:00 | 27/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2021 có thể giảm 0,1-0,15%. Tuy nhiên, vẫn đang “trong tầm kiểm soát".

Đó là thông tin được Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp công tác điều hành giá quí 3, kịch bản điều hành quí 4 và đầu năm 2022, diễn ra ngày 26/10.

Thứ trưởng Tài chính cho biết rằng mặt bằng giá cả thị trường trong 10 tháng đầu năm cơ bản nằm trong kịch bản. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI tháng 10 dự báo giảm 0,1-0,15%. Bình quân 10 tháng CPI tăng 1,81-1,83% so với cùng giai đoạn năm 2020. Dựa trên những con số trên, Bộ dự đoán từ nay đến cuối năm CPI bình quân tăng khoảng 2%. 

Toàn cảnh cuộc họp ngày 26/10 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Báo Chính phủ

Ông Tạ Anh Tuấn từng cho hay, chỉ số CPI tháng 9 tăng 2,06%, còn bình quân 9 tháng tăng 1,82% so với cùng giai đoạn năm 2020 – mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%. 

Nhận xét về giá cả thị trường từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính nói là "tăng giảm đan xen". Một số mặt hàng có mức tăng cao do chịu tác động của các yếu tố cung cầu trong nước và giá thế giới. 

Dự báo về mặt bằng giá cuối năm, Bộ Tài chính cho biết đang chịu tác động vì một số mặt hàng như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, giá xăng dầu... tăng giá từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, vận chuyển logistics và giá thế giới tăng mạnh "đẩy" giá trong nước đi lên.

Chịu tác động giá từ các mặt hàng thiết yếu, song cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá vẫn khẳng định lạm phát năm nay vẫn "đảm bảo trong tầm kiểm soát và ở mức thấp".

Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm sau là rất lớn bởi xét theo bối cảnh thế giới, khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế toàn cầu và trong nước.

Thứ trưởng Tài chính tin rằng việc quản lý, điều hành giá các tháng còn lại của năm 2021 và thời gian đầu năm 2022 phải "thận trọng, linh hoạt và kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu cũng như hỗ trợ mục tiêu kép của Chính phủ". Động thái trên sẽ giữ vững ổn định mặt bằng giá, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng trong buổi làm việc, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp ngày 26/10 lưu ý: Năm 2022 – thời điểm nhiều nước bắt đầu mở cửa, khôi phục lại sản xuất – sẽ khiến nhu cầu nguyên vật liệu, năng lượng tăng cao.

Với Việt Nam, Phó thủ tướng cho rằng dịch bệnh được kiểm soát tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, gây khó khăn cho sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hoá và áp lực với công tác điều hành giá.

Vì vậy, ông yêu cầu các bộ, ngành nắm bắt tình hình, theo sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.

Đồng thời, các bộ, ngành được giao điều hành linh hoạt, sát với tình hình thị trường và phải giữ ổn định giá các hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, điện, thực phẩm… Việc này giúp bảo đảm kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

 

Tác động của giá xăng dầu đến CPI sẽ được đem ra mổ xẻ

Trong một diễn biến liên quan, vài ngày tới Tổng cục Thống kê (GSO) sẽ tổ chức họp báo công bố về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm vào ngày 29/10, tác động của giá xăng dầu đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến là vấn đề nóng được bàn tới. 

Theo Nhịp sống doanh nghiệp, cuối năm 2020 và đầu 2021, giá dầu thế giới bắt đầu thể hiện đà phục hồi mạnh sau khi giảm sâu trong năm 2020. Ngày 18/3/2021, GSO có một báo cáo phân tích cơ bản về tác động của giá dầu thế giới đến CPI. Đây là tài liệu cần để tham khảo, tính toán về tác động của giá xăng dầu hiện nay và trong thời gian sắp tới. 

Cụ thể: CPI tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất 2,45% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 26/11/2020, thời điểm 11/12/2020 và thời điểm 26/12/2020 làm giá xăng, dầu tăng 6,52%, tác động làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm.

Tính chung cả năm 2020, CPI bình quân năm tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, trong đó giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 23,03% so với năm trước làm CPI chung giảm 0,83 điểm phần trăm.

Trong năm 2021, theo Liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã tăng tới 40,23% đến 52,59%, vượt trội so với các năm trước nên sẽ có tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng. Chi tiết ra sao sẽ được Tổng cục Thống kê công bố trong vài ngày tới.