Chỉ số DXY liên tục đi xuống, tỷ giá cuối năm liệu có vững vàng hạ nhiệt?

Diên Vỹ 15:01 | 14/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cùng với diễn biến đi xuống của chỉ số DXY trên thị trường quốc tế, trong nước, áp lực tỷ giá trong tháng 7 cũng được giảm bớt nhờ sự can thiệp hiệu quả của NHNN thông qua việc bán ngoại hối.

 

Chỉ số DXY tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá hạ nhiệt 3 tuần liên tiếp

Ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.256 VND/USD, giảm 4 đồng so với cuối tuần trước (9/8). Theo biên độ +/- 5% theo quy định của NHNN, tỷ giá trần là 25.468 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.043 VND/USD. Sở Giao dịch NHNN niêm yết tỷ giá mua vào – bán ra ở mức 23.400 và 25.450 VND/USD.

Đáng chú ý, trên thị trường liên ngân hàng, nếu tính từ 22/7 đến 5/8, tỷ giá đã có 3 tuần giảm liên tiếp từ sát ngưỡng trần do NHNN quy định. Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng có xu hướng điều chỉnh giảm mạnh khỏi mốc đỉnh lịch sử 26.000 VND/ USD với 2 tuần giảm liên tiếp từ 29/7 đến 5/8.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho tỷ giá  hạ nhiệt là việc chỉ số đồng USD duy trì đà giảm kể từ đầu tháng 7 khi thị trường ngày càng đặt niềm tin vào việc FED sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 9 này. Khởi đầu với mức 105,9, chỉ số DXY đã tụt mạnh xuống dưới mốc 104, đạt 103,7 vào ngày 17/7 sau một loạt những dữ liệu khả quan về tình hình lạm phát được công bố như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 ghi nhận mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp vượt 4% lần đầu tiên kể từ cuối năm 2021, chi phí nhà ở - rào cản lớn nhất với việc kiểm soát đà tăng CPI – đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau 2 năm.

Mới đây nhất, tại thời điểm kết thúc ngày 13/8 (giờ Mỹ), DXY Index tiếp tục giảm mạnh xuống quanh ngưỡng 102,65 điểm khi thị trường gần như tin chắc FED sẽ giảm lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm xuống còn 5% - 5,25% vào tháng 9.

Trong những ngày qua, DXY liên tục hạ nhiệt. Ảnh: TradingView

Cùng với diễn biến trên thị trường quốc tế, trong nước, áp lực tỷ giá trong tháng 7 cũng được giảm bớt nhờ sự can thiệp hiệu quả của NHNN thông qua việc bán ngoại hối. Chứng khoán MB (MBS) ước tính kể từ cuối tháng 4 đến ngày 3/7, NHNN đã bán khoảng 6,5 tỷ USD nhằm kiềm chế gia tăng áp lực lên tỷ giá. 

Hơn nữa, việc NHNN duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao cũng góp phần giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó hỗ trợ chống lại sự mất giá của VND. 

Tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 7. Ảnh: VCBS.

Trước triển vọng USD giảm và áp lực tỷ giá đã không còn là mối lo quá đáng ngại, ngày 5/8, NHNN đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) và lãi suất tín phiếu - một diễn biến biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ. 

Cũng trong ngày này, NHNN đã cho 7 thành viên thị trường vay gần 13.669 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,25%/năm. So với phiên trước đó, quy mô cho vay OMO của NHNN đã tăng gấp hơn 2 lần và lãi suất cho vay giảm 0,25 điểm %, từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm. Đây là lần đầu tiên NHNN giảm lãi suất OMO kể từ cuối năm 2023. 

Việc giảm lãi suất OMO và tín phiếu của NHNN là nhằm thiết lập một hành lang lãi suất thấp hơn trên thị trường liên ngân hàng, giảm áp lực từ chi phí huy động cho các tổ chức tín dụng trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt.

Dự báo nào cho tỷ giá những tháng cuối năm?

Trong báo cáo vĩ mô tháng 8, các chuyên gia MBS cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.100 – 25.300 VND/USD trong quý IV/2024 dưới những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực (~14,1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm), dòng vốn FDI tích cực (12,6 tỷ USD, +8,4% svck) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (+51% svck). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.

Tương tự quan điểm này, nhóm phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng giai đoạn này điểm tích cực là mức vốn đăng ký và giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ. Nhu cầu ngoại tệ trong nước không lớn, khi các doanh nghiệp đã nhập khẩu nguồn tư vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn trước; kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận thặng dư khả quan. 

“Với kỳ vọng FED sớm cắt giảm lãi suất cùng cường độ và mức độ nhiều hơn; đồng thời, trong nước có thể ghi nhận dòng ngoại tệ tích cực, VND có thể thu hẹp mức giảm giá dao động quanh 3-4% so với USD. Đây vẫn được coi là mức mất giá hợp lý so với nhiều nước trong khu vực”, VCBS dự báo.

Trong khi đó, ở góc nhìn thận trọng hơn, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo chuyên đề vĩ mô tháng 8 cho rằng kịch bản sức mạnh của đồng USD được duy trì sẽ là thử thách đối với việc điều hành tỷ giá của NHNN trong nửa cuối năm 2024. 

Cụ thể, theo VDSC, từ đầu quý III đến nay, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh có chiều hướng đi xuống do những chỉ báo kém khả quan của hoạt động kinh tế tại Mỹ. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND đã giảm nhẹ, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về mức 25.264 đồng/USD tại ngày 31/7, đưa mức mất giá của tiền đồng về 4,1% so với đầu năm. 

Tuy nhiên, VDSC nhận thấy một số áp lực về cung – cầu ngoại tệ gồm: nhu cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV do nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Cùng đó, quy mô của khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể vốn hay đi cùng với áp lực tỷ giá cũng thường tăng mạnh vào quý III.

“Dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại, chúng tôi cho rằng con đường ổn định tỷ giá có thể sẽ còn một nhịp gập ghềnh phía trước”, báo cáo của VDSC nhận định.

Theo nhóm chuyên gia từ VDSC, kịch bản cơ sở đối với tỷ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng có thể tăng lên 25.500 đồng/USD và giảm trở lại còn 25.300 đồng/USD vào cuối năm. Kịch bản lạc quan hơn xảy ra với điều kiện hai áp lực kể trên đều được kiểm soát, khi đó, tỷ giá có thể giảm về mức 25.000 đồng/USD vào cuối năm.