Chiến lược phát triển ngành ngân hàng: Tăng số lượng doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ

07:33 | 13/08/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung: Tăng số lượng doanh nghiệp được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng: Tăng số lượng doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam.

Ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững và phải được đảm bảo bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Chiến lược đặt ra mục tiêu hiện đại hóa Ngân hàng Nhà nước theo hướng có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ vị thế pháp lý và trách nhiệm giải trình; thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; thực thi vai trò giám sát hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế.

Chiến lược đặt mục tiêu tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước; mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.

Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, Chiến lược đề ra mục tiêu phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dang về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiến tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; thích ứng với quá trình tự doa hóa và toàn cầu hóa.

Cụ thể, giai đoạn 2018-2020 tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II; có ít nhất từ 1 – 2 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Giai đoạn 2021 – 2025, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phần đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao.

Chiến lược cũng nhấn mạnh đến giải pháp là tiếp tục xắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính và cung ứng dịch vụ tài chính.

Đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ, công tác quản lý ngoại hối và vàng. Khuôn khổ chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; tăng tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ.

Chiến lược còn đặt ra các giải pháp đổi mới khuôn khổ quản lý ngoại hối theo hướng, tiếp tục thực hiện chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, điều hành tỷ giá với mức độ linh hoạt cao hơn, bám sát diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo phù hợp các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Đổi mới quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp theo thông lệ quốc tế và quy mô dự trữ ngoại hối trong từng thời kỳ, đảm bảo hài hòa các mục tiêu an toàn, thanh khoản và sinh lời.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế đến năm 2030; triển khai thực hiện Đề án tự do hóa các giao dịch vốn phù hợp với lộ trình thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam đã được phê duyệt theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 11/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ…

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ 8/8./.