Chiến lược thị trường tháng 9: VNDirect gọi tên 4 nhóm ngành tiềm năng
Hóa chất, dầu khí và kim loại là 3 nhóm ngành ảnh hưởng xấu nhất tới tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong quý II
Dựa trên thống kê dữ liệu từ 1.085 doanh nghiệp niêm yết đại diện 95,3% vốn hóa toàn thị trường đã công bố BCTC, VNDirect trong báo cáo mới nhất chỉ ra rằng lợi nhuận toàn thị trường giảm 12,9% so với cùng kỳ trong quý II.
Cụ thể, ngành dịch vụ tài chính có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến với tăng 943% so với cùng kỳ và đóng góp 2,5 điểm % vào tăng trưởng toàn thị trường. Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng với 41%, đóng góp 3,8 điểm % tăng trưởng thị trường, chủ yếu đến từ kết quả quý II vượt trội của Vinhomes (mã: VHM) với 9.652 tỷ đồng, tăng 1.348,3%.
Ngược lại, lợi nhuận ngành hóa chất giảm 62%, dầu khí giảm 74%, kim loại giảm 88% gây ảnh hưởng xấu nhất tới tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường bởi giá các loại hóa chất (phốt pho), kim loại (thép xây dựng) đều giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong khi đó, do biên lãi lọc hóa dầu co lại về mức trước khủng hoảng Nga - Ukraine khiến lợi nhuận các công ty lọc hóa dầu suy giảm mạnh. "Bức tranh lợi nhuận quý II tuy ảm đạm nhưng cũng đang cho thấy dấu hiệu tích cực hơn khi so sánh với mức giảm 21% về lợi nhuận của quý I",VNDirect đánh giá.
Chiến lược thị trường tháng 9: VNDirect gọi tên 4 nhóm ngành đáng quan tâm
Nhóm ngành đầu tiên mà khối phân tích VNDirect đề cập là đầu tư công. Nhóm phân tích dẫn số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy vốn nhà nước thực hiện trong tháng 8 đạt 61.326 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng theo tháng đã tăng trong 4 tháng liên tiếp. Lũy kế 8 tháng 2023, giải ngân đạt hơn 352.000 tỷ đồng, tức tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 49% kế hoạch năm.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2023, bên cạnh đó là duy trì mục tiêu giải ngân năm 2023 đạt trên 95%. Do đó, CTCK duy trì kỳ vọng giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 25% so với cùng kỳ.
Ngành ngân hàng được VNDirect nhận định mức định giá vẫn hấp dẫn với hai luận điểm đầu tư chính. Đầu tiên là việc tăng trưởng tín dụng phục hồi nhờ nới lỏng tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng. Cụ thể, các chính sách tài khóa đang được triển khai như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ ô tô, tăng lương cơ sở sẽ giúp kích cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân, qua đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng trở lại.
Ngoài ra, Thông tư 02 hỗ trợ giảm áp lực dự phòng cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng mạnh.
“Kỳ vọng nền kinh tế tăng tốc trong nửa cuối 2023 nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và các hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Trong kịch bản này, ngành ngân hàng sẽ phản ánh rõ nhất sự phục hồi của nền kinh tế”, VNDirect cho biết.
Ngoài ra, dòng vốn từ ngân hàng vào bất động sản cũng được khai thông qua Thông tư 10/2023/TT-NHNN được ban hành (ngày 24/8) nhằm hoãn lại một số điều khoản của TT 06/2023/TT-NHNN (được công bố trong tháng 6 và có hiệu lực kể từ tháng 9).
Đối với ngành bán lẻ, VNDirect kỳ vọng tiêu dùng dần cải thiện, đặc biệt là từ quý IV sau khi tạo đáy trong 6 tháng 2023. Từ đó giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ tốt hơn trong nửa cuối năm.
Theo OECD, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) của EU và Mỹ đang dần hồi phục. Điều này giúp cải thiện hoạt động sản xuất của Việt Nam trong những tháng tới và qua đó nâng cao thu nhập và niềm tin tiêu dùng tại Việt Nam. Ngoài ra, các yếu tố khác như chính sách hỗ trợ tài khóa đã được triển khai, lãi suất tiếp tục đà giảm và chu kỳ thay thế hàng công nghệ diễn ra vào cuối năm nay kỳ vọng góp phần thúc đẩy tiêu dùng cuối năm.
Sản lượng điện thoại của Apple dự kiến không thay đổi trong năm 2023, dẫn đầu thị phần điện thoại toàn cầu. Kỳ vọng các sản phẩm của Apple sắp ra mắt sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự phục hồi của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp ICT, khi doanh thu mảng này của các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ đang bị tác động mạnh.
VNDirect cũng chỉ ra 2 tín hiệu tích cực cho ngành bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, nhờ thu hút FDI khởi sắc, đón đầu nhu cầu phục hồi ở các thị trường phát triển trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch cho các dự án mới và mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Trong tháng 8, vốn FDI đăng ký tăng 70,6% so với cùng kỳ lên 1,9 tỷ USD, vốn FDI giải ngân tăng 5,3% so với cùng kỳ lên 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội vào ngày 10/9 tới đây để gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo cấp cao của một số doanh nghiệp hàng đầu sẽ tìm hiểu cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế giữa 2 nước với công nghệ và đổi mới làm nền tảng, là tín hiệu tích cực cho làn sóng FDI từ Mỹ đổ vào Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các biện pháp cụ thể để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu sớm được áp dụng có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh thu hút vốn FDI. Để thích ứng với những tác động của quy tắc thuế này, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa, dự kiến được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 10. Tương tự Indonesia và Malaysia, Việt Nam cũng áp dụng mức thuế suất 15% nhưng có điểm bổ sung. Các doanh nghiệp sẽ được miễn thuế nếu doanh thu hàng năm dưới 10 triệu EUR và thu nhập hàng năm dưới 1 triệu EUR hoặc lỗ.
Mặc khác, các chuyên viên phân tích nhận định giá thuê khu công nghiệp sẽ tích cực trong những năm tới. "Chúng tôi tin rằng giá thuê ở cả miền Bắc và miền Nam sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong những năm tới, nhờ nhu cầu đất khu công nghiệp cao khi hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi sẽ thu hút dòng vốn FDI đổ về”, bộ phận phân tích VNDirect nhận định.
Một số chủ đầu tư sở hữu quỹ đất hiện hữu và tương lai lớn cùng với vị trí đắc địa sẽ tận dụng được lợi thế.