Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Hậu quả như Đại suy thoái kinh tế

10:01 | 09/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cuộc đối đầu Mỹ-Trung trở thành chiến tranh thương mại toàn diện khi lôi kéo nhiều nước tham gia.

Cuộc chiến thương mại lớn nhất từ trước tới nay

Ngày 6/7/2018, Washington và Bắc Kinh chính thức bước vào cuộc chiến thương mại khi quyết định của Mỹ tăng thuế lên thành 25% đối với 818 mặt hàng với tổng trị giá 34 tỷ USD nhập từ Trung Quốc - trong đó có xe hơi, ổ cứng máy tính, linh kiện máy bay - chính thức có hiệu lực.

Bắc Kinh gọi đây là "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế từ trước tới nay" và tuyên bố Trung Quốc cũng đáp trả và sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới.

Báo chí quốc tế gọi đây là cuộc chiến thương mại "điên rồ" với cảnh báo sẽ dẫn tới "cuộc chiến thượng mại diện rộng", thậm chí là "chiến tranh thương mại toàn diện", gây ra những hậu quả nghiêm trọng không kém gì Đại suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Theo dự báo của Hội đồng phân tích kinh tế Pháp, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ giảm 3-4%, riêng Pháp sẽ mất 3% GDP, trong khi GDP của Pháp chỉ giảm 2,2% do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các quốc gia nhỏ hoặc kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa mới là những nước bị tác động nhiều nhất, chẳng hạn Mexico và Hàn Quốc sẽ mất ít nhất 10% GDP.

Việc Mỹ tăng thuế trên hàng hóa Trung Quốc sẽ là gánh nặng trên vai các tập đoàn quốc tế cung ứng hàng hóa, nhất là các sản phẩm có giá trị cao, trong đó có các công ty của Mỹ trên toàn thế giới và các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc.

Trong số 34 tỷ USD hàng hàng hóa nhập từ Trung Quốc mà Mỹ áp thuế mới, hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc - trong đó có nhiều công ty Mỹ - chiếm tới 20 tỷ USD, tức là 59% tổng giá trị hàng hóa bị Mỹ áp thuế mới. Như vậy theo nói cách khác là theo Bắc Kinh, Washington đang "tự bắn vào chân mình".

Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dù sự bất định và các nguy cơ do các chính sách về thương mại của tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng trong thời gian qua và có thể khiến giới doanh nghiệp mất lòng tin, gây thiệt hại cho đầu tư, nhưng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng và vẫn vững chắc.

Mặc dù thiệt hại của Mỹ hiện giờ vẫn hạn chế, nó sẽ nhanh chóng lan rộng nếu chính quyền của ông Donald Trump quyết định đi tới cùng với những lời đe dọa áp thuế của mình, các nhà kinh tế và chủ các hãng sản xuất được các báo Mỹ hôm thứ Sáu ngày 6/7 dẫn lời nói.

“Sẽ tổn thương nền kinh tế nhưng cho đến nay tác động vẫn trong tầm kiểm soát,” ông Mark Zandi, Kinh tế gia trưởng của bộ phận phân tích của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s, được USA Today dẫn lời. “Nếu cuộc chiến leo thang thì nó sẽ gây thiệt hại nhiều hơn và sẽ có lúc sẽ phá hoại nền kinh tế vận hành tốt và dẫn đến suy thoái.”

Hãng Trans-Matic ở Holland, tiểu bang Michigan, cho biết họ đã phải chịu chi phí thép cao hơn trong vài tháng qua do các nhà sản xuất thép của Mỹ đã tăng giá thành để đón đầu thuế suất cao hơn mà Mỹ áp lên kim loại nhập khẩu.

Thặng dư thương mại của Mỹ và các đối tác. (Nguồn: Bloomberg)

Với giá cả đầu vào cao hơn như thế, Trans-Matic buộc phải lấy giá cao hơn từ khách hàng của họ là những nhà cung cấp xe hơi. Tuy nhiên, một số khách hàng đã giảm đơn hàng, khiến cho doanh thu của Trans-Matic giảm từ 5 đến 10%. Chính vì vậy, Công ty này đang cho 300 công nhân 5 giờ làm thêm mỗi tuần thay vì 10 giờ làm thêm như trước.

Hồi tháng trước, Mỹ đánh thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu trong một nỗ lực chặn đứng điều mà Tổng thống Donald Trump gọi là việc các nước này bán các sản phẩm này dưới mức giá thị trường ở Mỹ. Các nước bị đánh thuế đã đáp trả tương xứng. EU đã áp thuế lên 3,2 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm rượu whiskey, xe máy và các sản phẩm thép.

Sau khi EU áp thuế 31% lên xe máy nhập khẩu từ Mỹ, hãng xe biểu tượng Harley-Davidson cho biết họ sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất của họ ra nước ngoài để né thuế.

Bắc Kinh đã phản công với thuế áp lên thịt, hải sản và xe hơi thể thao cùng các mặt hàng khác nhập từ Mỹ. Một đợt áp thuế nữa trị giá 16 tỷ USD của cả hai bên dự kiến sẽ bắt đầu trong thời gian tới.

Trong năm tới, toàn bộ những mức thuế này sẽ khiến nước Mỹ mất khoảng 170.000 việc làm và làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, ông Zendi được USA Today dẫn lời ước tính. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang đe dọa sẽ đánh thuế thêm 400 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc và 275 tỷ USD ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ khiến Mỹ mất tổng cộng 700.000 việc làm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5% và nhiều khả năng đưa đất nước vào tình trạng suy thoái, ông nói thêm.

Không có kẻ thắng

Theo New York Times, các mức thuế áp lên Trung Quốc, vốn được mệnh danh là công xưởng toàn cầu, sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty vốn dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho các công ty Mỹ nhiều hơn là các công ty Trung Quốc mà chính quyền ông Trump đang nhắm vào.

Cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ gia tăng chi phí cho các ngành công nghiệp Mỹ, nhiều khả năng đe dọa các công việc trong lĩnh vực sản xuất mà ông Trump từ lâu nói rằng ông muốn bảo vệ. Và những chi phí cao thêm này cuối cùng cũng đổ dồn lên vai của người tiêu dùng Mỹ.

“Không có kẻ thắng trong chiến tranh thương mại,” ông William Zarit, Chủ tịch của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, được tờ Washington Post dẫn lời nói trong một thông cáo.

Không có kẻ thắng trong chiến tranh thương mại
 

Tờ The Washington Post cho biết một số công ty Mỹ cố gắng đưa hàng đến Trung Quốc trước thời hạn thuế có hiệu lực. Trong đó, một tàu hàng Peak Pegasus chở đậu nành từ Mỹ phải tranh thủ đến cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh một giờ trước khi mức thuế 25% mà Trung Quốc áp lên hàng hóa của họ có hiệu lực, theo dữ liệu vận tải tàu biển của hãng tin Bloomberg.

Ông Shaun Rein, Tổng giám đốc China Market Research Group ở Thượng Hải, Trung Quốc, nói bước kế tiếp của chính phủ Trung Quốc có thể là khơi dậy tinh thần bài Mỹ trong người tiêu dùng Trung Quốc – tương tự như hồi họ tẩy chay tập đoàn Lotte của Hàn Quốc hồi năm ngoái vốn khiến tập đoàn này phải đóng cửa hàng chục cửa hàng tiện lợi của họ ở Trung Quốc.

Ông Mitt Romney, một người từng là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, nói rằng ông hy vọng những biện pháp thuế quan này ‘nhanh chóng bị dỡ bỏ’ và được thay thế bằng một thỏa thuận mậu dịch mà hai bên đều đồng ý./.

10 điều cần biết về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Trong khi báo chí Trung Quốc gọi chính quyền Tổng thống Trump là "băng đảng du côn" thì Donald Trump cũng không vừa khi mạnh miệng tuyên bố có thể áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 550 tỷ USD - cao hơn cả mức nhập khẩu từ Trung Quốc năm ngoái (506 tỷ USD).

Để hiểu rõ hơn về cuộc chiến này, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn Chiến tranh thương mại là gì? Chủ nghĩa bảo hộ hoạt động ra sao? Và cuộc chiến này có ảnh hưởng đến bạn như thế nào?

1. Chiến tranh thương mại là gì?

Chiến tranh thương mại (tiếng Anh: Trade war) hay còn gọi là chiến tranh mậu dịch là cuộc chiến giữa hai hay nhiều nước trong đó các nước cố gắng tấn công thương mại của nhau bằng các rào cản thương mại như thuế quan, hạn ngạch...

Điều này có thể làm tổn thương nền kinh tế của các quốc gia khác đồng thời dẫn đến căng thẳng chính trị leo thang giữa các nước đối lập.

2. Nhưng thuế nhập khẩu là gì?

Thuế nhập khẩu là thuế đánh vào một sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài, được nhập khẩu vào trong nước.

Đánh thuế nhập khẩu nhằm kích thích người dân mua các sản phẩm nội địa, vì hàng xuất khẩu trở nên đắt hơn từ đó thúc đẩy nền kinh tế trong nước.

3. Tại sao Trump áp thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc?

Tổng thống đã áp thuế đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD do Mỹ cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp sở hữu trí tuệ về thiết kế và ý tưởng sản phẩm.

Đồng thời, Trump muốn cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Ông cáo buộc nước này đã có hành vi thương mại không công bằng kể từ khi ông trở thành tổng thống.

4. Thâm hụt thương mại là gì?

Thuật ngữ này chỉ sự chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu. Thâm hụt thương mại xảy ra khi chênh lệch này nhỏ hơn 0.

Hay hiểu một cách đơn giản, giá trị xuất khẩu đang không bằng giá trị nhập khẩu.

Mỹ bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc ở mức 375 tỷ USD khiến Trump không hài lòng. Ông muốn cắt giảm thâm hụt thương mại bằng việc sử dụng thuế áp vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

5. Thâm hụt thương mại có phải lí do thực sự?

Nhưng thâm hụt thương mại chưa hẳn là xấu. Nhiều nước có nền kinh tế mạnh đang chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ.

Dịch vụ đang chiếm tới 90% nền kinh tế Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu hàng hóa sản xuất.

Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, động thái này của chính phủ đang đi theo chủ nghĩa bảo hộ.

6. Chủ nghĩa bảo hộ là gì?

Bảo hộ mậu dịch là việc áp đặt một số tiêu chuẩn hay áp đặt thuế cao đối với một số mặt hàng nhập khẩu nào đó để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, giảm cạnh tranh.

Ví dụ điển hình là ngành nhôm thép. Vào đầu tháng 3, Trump đã công bố mức thuế 25% cho tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu và 10% trên nhôm.

Chính quyền Trump tuyên bố Mỹ dựa quá nhiều vào các quốc gia khác về kim lọai, và rằng Mỹ không thể tự sản xuất đủ vũ khí hoặc xe cộ nếu một chiến tranh nổ ra.

7. Những gì Trump làm có thực sự hiệu quả?

Ngành sản xuất thép của Mỹ được thúc đẩy hơn khi nhu cầu tăng lên từ đó tăng lợi nhuận.

Nhưng các công ty Mỹ cần vật liệu thô. Đối với các nhà sản xuất ôtô và máy bay thì chi phí của họ lại tăng lên.

Điều đó có nghĩa là họ có thể phải tăng giá sản phẩm gây bất lợi cho người tiêu dùng.

8. Mức thuế có thể ảnh hưởng đến chính bạn như thế nào? Chúng có thể ảnh hưởng khắp cả thế giới - đặc biệt là kể khi Trung Quốc trả đũa.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đánh thuế các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Mỹ, từ đậu nành, thịt lợn tới máy bay, ôtô và ống thép.

Về lý thuyết, Trung Quốc cũng có thể đánh thuế các công ty công nghệ của Mỹ như Apple. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến gã khổng lồ công nghệ, và nó có thể buộc phải tăng giá.

Một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể làm tổn thương người tiêu dùng trên toàn thế giới bằng cách làm cho mọi công ty khó khăn hơn trong việc vận hành, buộc họ phải đẩy giá cao hơn.

9. Sao không tự do hóa thương mại?

Tự do hóa thương mại ngược lại với chủ nghĩa bảo hộ - giảm thuế quan nhiều nhất có thể, tạo điều kiện tự do mua các sản phẩm rẻ hơn hoặc tốt hơn từ bất cứ nơi nào trên thế giới.

Điều này là rất tốt cho các công ty cố gắng cắt giảm chi phí, từ đó đẩy giá xuống và thúc đẩy nền kinh tế thế giới.

Nhưng đồng thời, điều đó có nghĩa là các công ty trong nước lại bị cạnh tranh nhiều hơn. Tại sao người dân phải mua hàng nội địa khi hàng nhập khẩu lại chất lượng và rẻ hơn?

Đồng nghĩa với mất việc làm ở các nước giàu, tăng trưởng không đồng đều - thương mại tự do khiến một số người giàu hơn nhưng cũng làm cho người khác nghèo hơn.

10. Tất cả sẽ kết thúc như thế nào? Không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này.

Quyết định của ông Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể dẫn đến những tác động bất lợi cho người tiêu dùng cả ở Mỹ và Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không có lợi cho bất kỳ ai hết.

Theo VOV/Zing/Nhipcaudautu