Chim sẻ ma ca rồng: Giải mã loài động vật chuyên hút máu 'đồng loại' để sống sót

20:51 | 09/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để sống sót trong môi trường khắc nghiệt, loài chim sẻ này đã tiến hóa hành vi uống máu. Chính vì lẽ đó, chúng còn được gọi là chim sẻ ma cà rồng.
Quần đảo Galápagos chính là nơi trú ngụ của 13 loài chim sẻ Darwin khác nhau được tiến hóa từ một tổ tiên chung. Đương nhiên, mỗi loài chim sẻ sẽ điều chỉnh chế độ ăn và thích nghi với môi trường theo cách riêng của mình. 
 
Trong khi, một số loài thích ăn hạt, phấn hoa, nhụy hoa hay côn trùng thì có loài chim sẻ lại ưa uống máu từ những con chim biển lớn. Đó chính là chim sẻ ma cà rồng Geospiza septentrionalis.
 
Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1964, chim sẻ ma cà rồng sinh sống trên đảo Darwin và Wolf, nằm trong khu bảo tồn biển rộng lớn trên quần đảo Galápagos. Những con chim này sẽ dùng mỏ nhọn làm vũ khí tấn công, đấm vào cánh của loài chim biển to lớn có tên Sula granti để uống máu của chúng. 
 
Giải mã loài chim sẻ chuyên uống máu để sống sót
 
Uống máu là chế độ ăn khác thường đối với một loài chim sẻ, nhưng đối với khả năng thích nghi thì đây lại không phải là hành vi quá bất ngờ. Theo các nhà khoa học, chim sẻ ma ca rồng đã tiến hóa hành vi uống máu để sống sót trong môi trường khắc nghiệt cùng tài nguyên khan hiếm. 

Tháng 9/1835, nhà tự nhiên học người Anh tên Charles Darwin đã tới quần đảo Galápagos. Tại đây, ông quan sát sự khác biệt giữa chế độ ăn của chim sẻ ở nhiều đảo khác nhau cùng kích thước mỏ của chúng.
 
Ông phát hiện, kích thước mỏ thay đổi khi chim sẻ phát triển khẩu vị khác biệt với thức ăn sẵn có. Tất cả các hòn đảo đều nằm ở vị trí xa xôi và có điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, thức ăn khan hiếm đặc biệt vào mùa khô.
 
Tại đây, chim sẻ ma cà rồng sống cùng với chim biển (trong đó có chim điên chân đỏ và chim Sula granti), sống sót bằng cách ăn ký sinh trùng cư trú ở da, lông của những loài chim lớn này.
 
Trong lúc bắt ký sinh trùng và tạo ra vết thương hở, chim sẻ ma cà rồng rất có thể đã phát triển sở thích uống máu, sau đó học được cách tiếp cận nguồn máu thông qua việc mổ vào cánh của những con chim lớn. 
 
Khi không thể tìm thấy nguồn thức ăn nào khác như hạt hay côn trùng, chim sẻ ma cà rồng sẽ tìm đến nguồn máu. Tuy nhiên, chứa lượng muối và sắt cao nên máu không phải là nguồn dưỡng chất thiết yếu. 

Tuy nhiên, chim sẻ ma cà rồng chứa loại vi khuẩn ruột có tên Peptostreptococcaceae, có thể giúp xử lý cũng như tiêu hóa muối và sắt. Do đó khi không có thức ăn, loài chim sẻ này sẵn sàng tấn công những con chim biển và con non; sau đó mổ vào gốc đuôi - nơi có tuyến dầu của chim non - để uống máu chảy ra.

Tiểu Long