Chính phủ đồng ý cho An Giang chuyển đổi dự án cầu Châu Đốc 820 tỷ từ BOT sang đầu tư công
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến đồng ý về việc chuyển đổi đầu tư dự án cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang từ hình thức hợp đồng BOT sang đầu tư công.
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh An Giang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thực hiện thủ tục chấm dứt đầu tư dự án cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, An Giang phải thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về cơ quan có trách nhiệm tiếp tục quản lý đầu tư dự án, làm cơ sở để triển khai dự án theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về đầu tư công.
Dự án cầu Châu Đốc được khởi động vào tháng 10/2015 nhằm mục tiêu sẽ thay thế phà Châu Giang, kết nối TP Châu Đốc và thị xã Tân Châu. Cầu Châu Đốc được xây dựng có điểm đầu nối vào Quốc lộ 91, khoảng Km113+071 tại khu vực phường Vĩnh Mỹ (TP Châu Đốc), điểm cuối tại khu vực giao với đường tỉnh 953 (thị xã Tân Châu).
Dự án cầu Châu Đốc được khởi động từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn nằm bất động
Theo kế hoạch lúc đó, dự án có tổng chiều dài 3,26km, trong đó cầu Châu Đốc dài 667m, rộng 12m cho xe siêu trường, siêu trọng lưu thông. Dự kiến, tổng vốn đầu tư dự án là 931 tỷ đồng và nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn trong 25 năm và 2 tháng. Công trình sẽ khởi công trong quý IV/2015 và hoàn thành vào quý I/2017.
Sau đó vào tháng 6/2017, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 – Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt – Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620 được Bộ Giao thông Vận tải chọn là nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng. Đây cũng là liên danh nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự sơ tuyển.
Đến tháng 3/2020, Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang theo hình thức BOT. Lý do là “không thành công trong quá trình thương thảo ký Hợp đồng BOT”.
Theo Bộ GTVT, Nhà đầu tư trúng thầu cho biết, chi phí lãi vay của Dự án tăng, mức phí sử dụng đường bộ tối đa bị giới hạn, lưu lượng xe thực tế tại phà Tân Châu, Hồng Ngự giảm hơn so với lưu lượng dự báo dẫn đến Dự án mất khả năng thu hồi vốn, không đủ cơ sở để ngân hàng thương mại cho vay đầu tư. Trong quá trình đàm phán, Nhà đầu tư trúng thầu đề nghị nếu được Nhà nước hỗ trợ khoảng 190 tỷ đồng thì Dự án khả thi về tài chính. Việc đề xuất của Nhà đầu tư trúng thầu là không khả thi vào giai đoạn đó do Dự án không nằm trong tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đã được phân bổ vốn và Dự án không nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của Chính phủ.
Sau đó, UBND tỉnh An Giang có công văn đề nghị Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển giao Dự án về tỉnh An Giang để quản lý và thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng Dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh An Giang. UBND tỉnh An Giang có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh Dự án, trong đó bao gồm điều chỉnh phương án tài chính theo pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng; đồng thời tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Vào ngày 19/5/2020, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 571/TTg-CN đồng ý giao cho UBND tỉnh An Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang theo hình thức hợp đồng BOT.
Sau đó, UBND tỉnh An Giang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển đổi đầu tư dự án cầu Châu Đốc từ hình thức hợp đồng BOT thành hình thức đầu tư công, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư chung với dự án Tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Với lý do sau khi nghiên cứu các điều kiện An Giang cho rằng việc đầu tư cầu Châu Đốc bằng hình thức hợp đồng BOT là rất khó để thực hiện.
H.A