(DNVN) - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập – hiệu quả - bền vững”, được tổ chức sáng 23/12, tại Hà Nội.
Đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội; đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu; là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; trở thành lực lượng nòng cốt trong tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ của khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp có vai trò trọng tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thành công, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới, khơi dậy niềm tin và sự kỳ vọng vào việc sẽ tạo bước tiến đột phá trong phát triển.
Thống kê cho thấy, vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt khoảng 34,3 triệu tỷ đồng/1 năm, tăng 82% so với bình quân của giai đoạn 2011-2015; riêng năm 2018, đạt 41,7 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017 và tăng xấp xỉ gấp 3 lần so với năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 đạt 243,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017; đáng chú ý là đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tỉ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước dần được cải thiện. Số lao động hiện làm việc trong khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 27% lực lượng lao động của toàn xã hội, thu hút bình quân 14,5 triệu lao động/1 năm trong giai đoạn 2016-2018, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng cao trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có thêm trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760.000 doanh nghiệp. Niềm tin, kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Việt Nam bày tỏ “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%.
Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh là một trong 3 trụ cột có cải tiến lớn nhất, năm 2019 tăng 12 bậc về thứ hạng so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với năm 2016, lên vị trí 42 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.
Theo Bộ trưởng Dũng, kết quả đáng khích lệ này có được là nhờ sự nỗ lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển đất nước là chưa tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển.
Do đó, nhằm gợi mở một số định hướng và giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 5 nhiệm vụ cần làm để phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân trở thành trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.
Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, cần có khát vọng tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp.
Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Và cuối cùng, theo Bộ trưởng Dũng, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong; phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời, tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt nam cần được thay đổi nhận thức, hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia dân tộc hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.
Bên cạnh việc ban hành, sửa đổi các chính sách, luật pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp "suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại".