Chính phủ Mỹ trấn an khách hàng có tiền gửi tại Silicon Valley Bank

Đông Bắc 16:52 | 13/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ Mỹ đã lên tiếng trấn an người gửi tiền tại Silicon Valley Bank (SVB), kể cả các khoản lớn hơn 250.000 USD - mức không được bảo hiểm.

 

Trong thông báo chung hôm 12/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) Martin J. Gruenberg cho biết toàn bộ tiền gửi tại SVB sẽ được bảo đảm. Kể cả các khoản không được bảo hiểm theo quy định của FDIC (lớn hơn 250.000 USD). Người gửi sẽ được tiếp cận tiền của mình kể từ ngày 13/3.

Đây là nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn việc các ngân hàng bị rút tiền thêm nữa. Nó cũng đồng thời giúp các công ty gửi số tiền lớn tại SVB tiếp tục trả lương nhân viên và hoạt động bình thường.

Chính phủ Mỹ cũng khẳng định người dân sẽ không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ khoản thiệt hại nào liên quan đến SVB.

 

 Chính phủ Mỹ khẳng định tiền gửi của khách hàng an toàn tại SVB. Ảnh Bloomberg.

Theo Bloomberg, Giới chức Mỹ đang chạy đua xoa dịu lo ngại về sức khỏe của hệ thống tài chính nước này, sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank cuối tuần trước. Sau vài ngày rơi vào rắc rối nghiêm trọng vì thiếu vốn, SVB đã bị giới chức California đóng cửa hôm 10/3, chuyển quyền quản lý tài sản cho FDIC. Đây là vụ sụp đổ lớn nhì lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, sau Washington Mutual năm 2008.

Chỉ hai ngày sau đó, đến lượt Signature Bank - ngân hàng quen thuộc với giới tiền số - bị chính quyền New York đóng cửa và chuyển giao tài sản cho FDIC. Ngân hàng này có 110 tỷ USD tài sản và 88,6 tỷ USD tiền gửi.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ khẳng định các nỗ lực của chính phủ không nhằm giải cứu SVB. Cổ đông và trái chủ của SVB vẫn sẽ chịu thiệt hại.

Người này cho biết nhiều ngân hàng dường như cũng đang gặp vấn đề tương tự SVB. Sau vụ sụp đổ của nhà băng này, cổ phiếu nhiều ngân hàng địa phương đã lao dốc theo.

 Phần lớn tiền gửi tại Silicon Valley thuộc danh mục không được bảo hiểm. Nguồn: Wall Street Journal.

Fed cũng thông báo sẽ lập "Chương trình cấp vốn ngân hàng", cung cấp khoản vay cho các ngân hàng với điều khoản nới lỏng hơn bình thường. Quan chức Fed cho rằng chương trình này có quy mô đủ lớn để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo đảm trong hệ thống ngân hàng Mỹ.

Bộ Tài chính cũng sẽ "dành ra 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn Hối đoái" cho chương trình của Fed. Dù vậy, Fed không kỳ vọng dùng đến số tiền này.

Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ sáng nay tăng điểm nhờ thông tin về nỗ lực của giới chức. S&P 500 tương lai tăng 1,8%. Nasdaq tăng 1,9%. EUROSTOXX 50 tương lai - theo dõi thị trường châu Âu - lên 0,4%. FTSE (Anh) tăng 0,1%.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) hiện tăng 1,3%. Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,3%. Trong khi đó, Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản lại giảm 1,6%

Giá USD sáng nay đi xuống sau khi Goldman Sachs dự báo Fed không nâng lãi trong cuộc họp tuần tới. Trước vụ sụp đổ SVB, nhà đầu tư đặt cược Fed nâng thêm 50 điểm cơ bản (0,5%).

SVB "khoe" lọt top ngân hàng tốt nhất tại Mỹ trước khi sụp đổ

Mới chỉ hôm thứ Ba (7/3), ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đăng tải trên mạng xã hội Twitter “tự hào” về việc tiếp tục lọt top ngân hàng tốt nhất tại Mỹ theo xếp hạng thường niên America’s Best Banks của tạp chí Forbes và đây là năm 5 liên tiếp nhà băng này có mặt trong xếp hạng này.

Nhưng tới thứ Sáu (10/3), SVB trở thành ngân hàng lớn nhất sụp đổ kể từ sau ngân hàng Washington Mutual vào năm 2008 và là vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ.

"Tự hào khi lọt vào xếp hạng Ngân hàng tốt nhất tại Mỹ của tạp chí Forbes 5 năm liên tiếp, đồng thời có mặt trong danh sách Ngôi sao tài chính (Financial All-Stars) đầu tiên của Forbes”, tài khoản Twitter của SVB đăng tải hôm đầu tuần.

Tuy nhiên, điều mà gần 44.000 người theo dõi tài khoản Twitter của SBV khi đó không biết được rằng chỉ vài ngày sau đó, ngân hàng này đã bị cơ quan quản lý đóng cửa và nắm quyền kiểm soát tài sản do không thể đáp ứng yêu cầu rút tiền của người gửi tiền. Toàn bộ tài sản của SVB được giao cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) quản lý và những người gửi tiền tại SVB có thể rút tiền nếu khoản tiền gửi của họ được bảo hiểm. Tuy nhiên, gần 90% các khoản tiền gửi tại nhà băng này thuộc dạng không được bảo hiểm và hiện số phận chưa biết đi về đâu.

Xếp hạng America’s Best Banks của Forbes đánh giá tốc độ tăng trưởng, chất lượng tín dụng và lợi nhuận để xếp hạng 100 ngân hàng niêm yết lớn nhất (dựa trên tài sản). Trong danh sách năm nay, SVB Financial Group, công ty mẹ của SVB, đứng thứ 20 với tài sản 213 tỷ USD và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 13,8%.