Bảo vệ người gửi tiền trong vụ SVB, Chính phủ Mỹ có đang hành động đúng đắn?

Diên Vỹ (Theo CNBC) 16:19 | 13/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 12/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ Mỹ sẽ không giải cứu ngân hàng SVB sau vụ sụp đổ, nhưng sẽ bảo vệ người gửi tiền tại đây. Nhà đầu tư tỷ phú Bill Ackman cho rằng việc Chính phủ Mỹ hành động như vậy là hoàn toàn đúng đắn, giúp khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với ông.

 

Trong một tuyên bố vào cuối ngày 12/3 (giờ Mỹ) do Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Bộ Tài chính và FDIC đồng ban hành, các nhà chức trách khẳng định sẽ không có gói cứu trợ nào dành cho SVB , nhưng các bên đang rốt ráo thực hiện những hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Trong một thông báo riêng, Fed cho biết sẽ khởi động chương trình cấp vốn mới, cho phép các ngân hàng trong nước vay hàng ngàn tỷ USD để có thêm nguồn lực đương đầu với các rủi ro tài chính sau vụ việc SVB sụp đổ.

Fed cũng cho hay đang xây dựng một Chương trình tài trợ có kỳ hạn của ngân hàng mới nhằm bảo vệ các tổ chức bị ảnh hưởng bởi bất ổn thị trường sau sự cố SVB.

 

“Tôi cam kết chắc chắn rằng những người chịu trách nhiệm về mớ hỗn độn này sẽ phải gánh hoàn toàn hậu quả. Đồng thời, các nhà chức trách sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát và điều chỉnh các ngân hàng lớn hơn để chúng ta không rơi vào tình huống này một lần nào nữa”

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Nhận định về động thái của các nhà chức trách, trong dòng tweet mới nhất về sự sụp đổ của SVB, nhà đầu tư quỹ phòng hộ nổi tiếng Bill Ackman, nhà sáng lập quỹ Pershing Square, nhận định chính phủ Mỹ đã làm “điều đúng đắn” khi bảo vệ người gửi tiền. Ông cho rằng đây không phải là một gói cứu trợ, như các nhà chức trách đã lên tiếng rằng sẽ không giải cứu và những ai đưa ra quyết định sai lầm vẫn sẽ phải gánh chịu hậu quả. “Nhưng điều quan trọng ở đây là Chính phủ gửi đi một thông điệp: người gửi tiền hoàn toàn có thể tin tưởng vào hệ thống ngân hàng”.

“Nếu niềm tin này không được duy trì, chúng ta sẽ đưa mọi chuyện đến tình thế mà có thể chỉ còn lại 3 hoặc 4 ngân hàng là quá lớn để phá sản, người nộp thuế thì bị mắc kẹt và cả hệ thống ngân hàng gặp rắc rối”, tỷ phú Bill Ackman cảnh báo.

 Tỷ phú Bill Ackman. Ảnh: CNBC

Giải thích rõ hơn về những gì có thể xảy ra tiếp theo, nhà đầu tư kỳ cựu cho hay cổ đông và trái chủ của SVB sẽ là những đối tượng chủ yếu chịu ảnh hưởng, trong khi các khoản lỗ sẽ do quỹ bảo hiểm của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) gánh chịu. Điều này trái ngược với những gì diễn ra ở thời điểm cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, khi chính phủ Hoa Kỳ bơm tiền dưới dạng cổ phiếu ưu đãi vào ngân hàng và các trái chủ được bảo vệ.

Tương tự tỷ phú Ackman, nhiều ý kiến cho rằng hành động quyết đoán bảo vệ người gửi tiền của Chính phủ Mỹ là một bước đi quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn rủi ro lan rộng toàn hệ thống tài chính.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình rằng Chính phủ Mỹ đang hành động đúng đắn hoặc hiệu quả.

Ở góc nhìn đối lập, ông Peter Schiff, nhà kinh tế trưởng và chiến lược gia toàn cầu tại Euro Pacific Capital, nhận định động thái này là “một sai lầm nữa” của chính phủ Mỹ và Fed, bởi vì hành động như vậy không thể ngăn chặn thực tế là những người gửi tiền có thể sẽ rút tiền ở các ngân hàng nhỏ chuyển tiền sang những ngân hàng lớn khác mà họ cho rằng an toàn hơn - điều mà ông lo rằng có thể gây ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng để giữ chân khách hàng bất chấp những rủi ro. Về lâu dài, có nguy cơ nhiều ngân hàng sụp đổ hơn, với chi phí vốn dài hạn cao hơn nhiều.

 Nhà kinh tế trưởng và chiến lược gia toàn cầu Peter Schiff. Ảnh: GettyImages.

Quan ngại hơn, nhà phân tích ngân hàng kỳ cựu Dick Bove nhận định với CNBC hôm 13/3 rằng các bên có vẻ đang đánh giá thấp tình huống nguy hiểm mà hệ thống ngân hàng Mỹ phải đương đầu. Vị này tỏ ra không mấy tin tưởng vào khả năng các hành động hiện tại của cơ quan quản lý có thể giúp củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng cũng như hạn chế hậu quả. 

“Ngay tại thời điểm này, tôi không nghĩ rằng người ta sẽ mong đợi việc Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Fed và người đứng đầu FDIC đưa ra một tuyên bố chung công khai - trừ khi họ hiểu rõ rủi ro mà hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, cũng như toàn bộ người dân Mỹ đang phải đối mặt ngay bây giờ,” ông cảnh báo.

 Nhà phân tích ngân hàng kỳ cựu Dick Bove. Ảnh: CNBC

Vị chuyên gia ngân hàng phân tích thêm: “Nhóm đầu tiên - những người gửi tiền giờ đây đã mất niềm tin vào các ngân hàng Mỹ. Quên những người đã hoặc chưa từng rút tiền ở SVB đi, thì tiền gửi tại các nhà băng Mỹ đã giảm 6% trong vòng 12 tháng qua. Nhóm thứ hai, các nhà đầu tư cũng đã mất niềm tin, vì các ngân hàng Mỹ có cả đống ‘mánh khóe’ kế toán để báo lãi hoặc báo nợ ngay cả khi chúng không tồn tại”.

Ông Dick Bove thẳng thắn chỉ trích rằng các thông lệ kế toán cho ngành ngân hàng hiện nay là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, và nhưng cũng nhìn nhận Chính phủ cố gắng làm bất kỳ điều gì có thể để ngăn chặn những thứ có thể tạo nên một cơn sóng tiêu cực lớn hơn.

Tại buổi công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với tiêu đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng” diễn ra 13/3, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk nhận định hệ quả từ sự sụp đổ của SVB dự báo sẽ gây ra nhiều biến động trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng của các sự kiện địa chính trị phức tạp, tình hình lạm phát cao trên thế giới, tăng trưởng chậm lại của khu vực dịch vụ… Những diễn biến phức tạp trên thế giới như vậy sẽ đặt ra thêm rủi ro cho kinh tế Việt Nam.

Bà Turk cũng chỉ ra rằng ở trong nước thời gian qua, hệ thống ngân hàng cũng đối mặt với việc thắt chặt tiền tệ, cũng như một số vấn đề thanh khoản ở ngân hàng nhỏ. Vị chuyên gia khuyến cáo điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phải giám sát khu vực tài chính, nắm vững các diễn biến và chuẩn bị cho khả năng sẵn sàng hành động.