Chính phủ sẽ hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gần 400.000 tỷ đồng trong năm 2021

13:34 | 08/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chương trình quản lý nợ công ba năm giai đoạn 3 năm sắp tới đã được Chính phủ phê duyệt, cùng với đó là kế hoạch trả nợ công trong năm 2021.

Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2021 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt sẽ gồm các dự định và nội dung mới liên quan tới vấn đề trả nợ địa phương, bảo lãnh, hạn mức vay của doanh nghiệp. 

Cụ thể, về vấn đề bảo lãnh Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo khống chế, kiểm soát mức phát hành được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm với 2 ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Bên cạnh đó, sẽ giới hạn lại việc cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thường niên để chắc chắn tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng GDP năm trước.

Trên thực tế, việc này được coi là đúng lộ trình, bởi giai đoạn trước (2016-2020), việc cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo rằng dư nợ từ việc bảo lãnh năm 2020 không vượt quá dư nợ giao đoạn cũ. Chính phủ sẽ giảm dần vai trò là "người đỡ đầu" cho các khoản nợ của doanh nghiệp. 

Chính phủ sẽ hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gần 400.000 tỷ đồng trong năm 2021 - ảnh 1

Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Bộ Tài Chính, dư nợ gốc BLCP năm 2016 là 13,039 tỷ USD, đến hết năm 2019 giảm còn 11,027 tỷ USD. Tỷ lệ dư nợ BLCP/dư nợ công tiếp tục giảm dần trong 3 năm từ 16,1% năm 2016 xuống 12,2% năm 2019. Tỷ lệ dư nợ/GDP cũng chứng kiến xu hướng giảm tương tự là 10,3% xuống 6,7%. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương khống chế hạn mức bội chi, gây mất cân đối ngân sách. Đồng thời, kiểm soát mức nợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Theo đó, bội chi ngân sách địa phương chiếm khoảng 0,2% GDP hàng năm. Các địa phương sẽ phải thanh toán 18.400 tỷ đồng.

Về hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả thì khống chế tốc độ tăng dư nợ ngắn hạn khoảng 18-20% một năm; hạn mức vay ròng trung, dài hạn hàng năm chỉ được phép ở mức 6,35-7 tỷ USD, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia ở mức cho phép. 

Các khoản vay nước ngoài không có sự bảo lãnh của Chính phủ thì doanh nghiệp được phép chạm mức trần 6,35 tỷ USD theo phương thức tự vay, tự trả.

Về kế hoạch vay nợ cụ thể, riêng trong năm nay, Chính phủ sẽ vay 624.221 tỷ đồng. Cụ thể, vay trong nước 527.357 tỷ và nước ngoài 96.864 tỷ đồng. Trong số này, khoản vay với mục đích cân đối ngân sách Trung ương 579.772 tỷ đồng và vay về rồi đem đi vay lại là 44.449 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, Chính phủ dự định trả nợ 394.506 tỷ đồng, trong đó thanh toán số tiền nợ trực tiếp là 366.224 tỷ và trả nợ các dự án cho vay lại 28.282 tỷ đồng.

Các địa phương sẽ dự kiến vay từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn khác ở mức 28.797 tỷ đồng. Địa phương sẽ phải trả nợ gốc 3.997 tỷ và trả lãi 2.665 tỷ đồng, tổng cộng là 6.662 tỷ đồng. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Chính chủ động sắp xếp, nghiên cứu nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, tránh xảy ra hiện tượng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế. Ngoài ra, Bộ cũng phải phụ trách chủ động kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, gắn liền việc phát hành với tái cơ cấu danh mục nợ và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

 H.S

Xem thêm: Nợ công sau 5 năm giảm mạnh, bội chi ngân sách dần được kiểm soát