Chính phủ yêu cầu báo cáo lại vụ Sơn Hải trượt gói thầu cao tốc, Bộ Tài chính nói gì?

Đông Bắc 21:10 | 02/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rút kinh nghiệm vì báo cáo chậm, chưa đầy đủ khi kiểm tra lựa chọn nhà thầu gói thầu cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).

  

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu thi công dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).

Cụ thể, theo yêu cầu trước đó, Bộ Tài chính phải hoàn thành kiểm tra và báo cáo kết quả trước ngày 10/6. Tuy nhiên, đến ngày 19/6, Bộ mới gửi báo cáo, bị đánh giá là quá chậm. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm. Nội dung báo cáo cũng bị nhận xét chưa thể hiện đúng chức năng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu.

 

 Tập đoàn Sơn Hải trượt gói thầu cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước. 

Trước hết, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Tài chính không làm rõ vai trò của cơ quan chuyên môn trong quản lý hoạt động đấu thầu. Việc kiếm tra chưa tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 23/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) về mẫu hồ sơ, báo cáo đánh giá, thẩm định, kiểm tra đấu thầu.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính không phân tích cụ thể kết quả kiểm tra, không đưa ra kết luận rõ ràng cũng như kiến nghị cụ thể đối với đơn vị được kiểm tra hay các cấp có thẩm quyền

"Phó Thủ tướng đã giao kiểm tra năng lực, kinh nghiệm của Tổ chuyên gia, nhưng Bộ Tài chính báo cáo chỉ kiểm tra về chứng chỉ đấu thầu và để Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của các thành viên Tổ chuyên gia…. là chưa làm tròn trách nhiệm", văn bản nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chưa thực hiện đầy đủ nội dung chỉ đạo, mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá phần “không đáp ứng” trong hồ sơ của tổ chuyên gia, mà chưa mở rộng đánh giá từ hồ sơ mời thầu, kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, năng lực chuyên gia, việc xử lý kiến nghị, cho đến các yếu tố liên quan khác.

Với các vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện báo cáo theo đúng chức năng và nhiệm vụ. Trong đó, cần làm rõ các nội dung cụ thể liên quan đến hồ sơ mời thầu (E-HSMT), hồ sơ dự thầu (E-HSDT), năng lực tổ chuyên gia, kết quả lựa chọn nhà thầu

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu báo cáo cần có kiến nghị cụ thể, rõ ràng về việc tiếp tục xử lý kết quả hiện tại, hoặc cần bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, hay thực hiện các biện pháp cần thiết khác.

Bộ Tài chính được giao phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bình Phước (nay là Đồng Nai) hoàn thiện báo cáo, gửi Thủ tướng trước ngày 5/7. Phó thủ tướng nhấn mạnh việc chậm trễ không được tiếp diễn, nhằm tránh ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Với UBND tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai), Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo Ban quản lý dự án và tổ chuyên gia phối hợp chặt chẽ với tổ công tác của Bộ Tài chính, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, thông tin cần thiết. Đồng thời, địa phương cần kịp thời giải quyết kiến nghị của các nhà thầu theo đúng quy định.

Phản hồi về văn bản 6093 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu rà soát một số nội dung, tại họp báo thường kỳ Bộ Tài chính chiều 2/7, ông Văn Trọng Duẩn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính) khẳng định Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai (trước đây là UBND tỉnh Bình Phước) để rà soát, làm rõ các vấn đề theo yêu cầu. "Sau khi hoàn tất, chúng tôi sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng và sẽ thông tin tới báo chí", ông Duẩn thông tin.

Trước đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về quy trình chọn nhà thầu gói thầu cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước.

Theo Bộ Tài chính, việc yêu cầu áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong giai đoạn thi công là phù hợp với định hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, chủ đầu tư cần xây dựng tiêu chí đánh giá liên quan đến BIM một cách rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu để tránh gây hiểu nhầm cho các bên dự thầu.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra lại quy trình đánh giá của tổ chuyên gia, rà soát mức độ phù hợp với hồ sơ mời thầu và các đề xuất kỹ thuật. Việc đánh giá cần dựa trên các quy định pháp luật liên quan và tham khảo ý kiến từ cơ quan chuyên ngành. Do vậy, đến thời điểm hiện tại, Bộ chưa đủ cơ sở để kết luận việc loại nhà thầu có hoàn toàn đúng quy định hay không.

Liên quan đến tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ, Bộ xác nhận cả 3 thành viên đều có chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực ít nhất đến tháng 10/2028.

Từ kết quả rà soát, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước nghiên cứu toàn diện các nội dung liên quan, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn nhà thầu và chịu trách nhiệm về quyết định này.

Dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 6,6 km, tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Trước đó, Tập đoàn Sơn Hải đã lên tiếng thể hiện không đồng ý với kết quả lựa chọn nhà thầu thi công dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).

Trong văn bản phản đối kết quả, Tập đoàn Sơn Hải cho hay ngày 17/3, chủ đầu tư đã mở gói thầu công khai qua mạng với giá trị gói thầu là hơn 880,7 tỷ đồng. Sơn Hải là một trong 5 nhà thầu tham gia gói thầu này với giá dự thầu thấp nhất là hơn 732 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả được công bố cho thấy đơn vị trúng thầu lại thuộc về một nhà thầu liên danh có giá dự thầu cao nhất (hơn 866 tỷ đồng).

Theo Tập đoàn Sơn Hải, giá dự thầu mà đơn vị này đưa ra được cho là sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 148 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ giảm giá gần 17%). Tuy nhiên, tập đoàn này lại không trúng thầu “với lý do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu”. Sau đó, Tập đoàn Sơn Hải làm đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) và Bộ Tài chính.