Chính phủ yêu cầu làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi tăng giá thuê tàu và container bất hợp pháp
Cước vận tải biển tăng cao, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và xử lý việc tăng giá bất hợp pháp.
Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan tháo gỡ khó khăn về giá cước vận tải cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá. Ông đồng thời yêu cầu kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi tăng giá thuê tàu và container.
Giá thuê container đã tăng 2-10 lần trong 3 tháng gần đây
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, 3 tháng trở lại đây, giá thuê container đã tăng 2-10 lần. Tại cuộc họp hôm 12/1, đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, việc tăng giá cước vận tải lên gấp nhiều lần khiến doanh nghiệp giảm doanh số xuất khẩu, lượng hàng tồn kho hiện nay so với năm ngoái lên đến 50%. Cá biệt, có doanh nghiệp tuyên bố đóng cửa vì giá cước vận tải biển quá cao.
Trong khi đó, các hãng tàu biển lập luận vì tác động của COVID-19, việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Lượng hàng xuất đi châu Âu, Mỹ gần đây cũng tăng đột biến dẫn tới thiếu container rỗng đóng hàng. Một số chủ tàu cũng nhấn mạnh, số chuyến đi từ Việt Nam không hề bị cắt giảm, thậm chí còn tăng chuyến, nhưng do lượng container thiếu hụt trầm trọng nên dẫn tới tình trạng đội giá container. Các hãng tàu cũng đánh giá tình trạng thiếu container rỗng có thể kéo dài đến hết tháng 3, thậm chí hết quý II/2021 nếu COVID-19 chưa chấm dứt.
Theo Bộ Công Thương, do tác động của COVID-19, năng lực xử lý hàng ở cảng châu Âu và Bắc Mỹ sụt giảm dẫn đến việc hãng tàu phải cắt giảm tuyến, gây thiếu hụt chuyến, container rỗng. Dịch bệnh cũng khiến năng lực sản xuất ở khu vực như Mỹ Latinh, Đông Âu, Nam Á bị sụt giảm, Mỹ và châu Âu tăng cường nhập khẩu từ khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Hai yếu tố cộng hưởng đã đẩy giá thuê container lên cao.
Mặt khác, năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế, không có bãi tập kết (depot) container rỗng đủ lớn, các depot quy mô nhỏ lẻ, phân tán và không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu. Việt Nam có rất ít doanh nghiệp kinh doanh đóng mới và sửa chữa container, đặc biệt là container chuyên dùng nên phải phụ thuộc vào lượng container của hãng tàu nước ngoài.
Theo VnExpress