Chính sách sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Đầu tư công chưa kỹ lưỡng?
Băn khoăn về tính ổn định của văn bản, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan, tác động trực tiếp đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia nhưng đây cũng là một trong những Luật có đời sống ngắn nhất khi vừa áp dụng được ba năm đã phải sửa đổi, bổ sung; một số quy định chưa bao quát được hết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Đại biểu đề nghị lần sửa đổi này, Ban soạn thảo cần đánh giá một cách bao quát, đầy đủ các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Cụ thể, cần khắc phục một cách triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền, tránh tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Về phạm vi sửa đổi, đại biểu cho rằng vấn đề không phải là sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, quan trọng là phải lựa chọn những vấn đề thực sự cần thiết, thực sự bức thiết để đưa vào sửa đổi, tuyệt đối không đưa vào dự án Luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng nhưng cũng không cứng nhắc, nếu thấy có những quy định là vật cản cho quá trình phát triển không đưa vào phạm vi sửa đổi.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần phân định cụ thể những hạn chế thuộc về cơ chế, chính sách và thể chế pháp luật, những hạn chế do con người, do quá trình tổ chức thực hiện. "Bên cạnh đó, cũng cần lắng nghe ý kiến từ các địa phương, đặc biệt là từ cơ sở, lắng nghe ý kiến từ các nhà tài trợ. Đồng thời nghiên cứu, vận dụng một cách hợp lý kinh nghiệm quốc tế. Chúng ta cũng không nên duy trì mãi cái gọi là đặc thù, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay,” đại biểu nói.
Đánh giá tác động của các chính sách sửa đổi, bổ sung trong hồ sơ dự án Luật chưa kỹ lưỡng, chưa công bằng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu rõ Báo cáo đánh giá tác động cho rằng 17/18 nhóm chính sách cần sửa đổi đều chỉ có mặt tiêu cực không có mặt tích cực; còn những nội dung thay thế 17 chính sách đó chỉ có mặt tích cực không có mặt tiêu cực.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, còn nhiều quy định bất cập trong dự án Luật, như quy định quản lý ODA mâu thuẫn với Luật quản lý nợ công. Hơn nữa, Luật có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2020 và mất hàng năm trời mới đủ văn bản hướng dẫn nên không tháo gỡ ngay được khó khăn vướng mắc, không kịp thời phục vụ việc lập kế hoạch giai đoạn sau. Vì vậy những nội dung quan trọng, đang vướng mắc cần quy định cụ thể trong Luật để thực hiện ngay khi Luật ban hành.
Cần công khai, minh bạch gắn với kiểm tra, giám sát trong quản lý đầu tư công là ý kiến được đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đưa ra.
Theo đó, quy định hiện hành đã có điều 14 về công khai, minh bạch trong đầu tư công nhưng trong đó chỉ có các quy định chung. Còn những vấn đề người dân cần biết, quan tâm thì chưa thấy.
Bởi vậy, cần quy định công khai chi tiết, đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết, trừ những dự án thuộc dạng bí mật nhà nước hay công trình an ninh quốc phòng quan trọng của quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đồng tình với ý kiến trên và cho rằng Luật cần công khai minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi giám sát, thanh tra kiểm tra sử dụng nguồn vốn đầu tư công tránh thất thoát lãng phí. Hiện, dự án Luật chưa thể hiện rõ quan điểm này.