Chính sách thuế và sự phát triển doanh nghiệp
(DNVN) - Những nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, việc nhiều năm liền giữ vững vị trí hàng đầu trong Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PI) phần nào phản ánh được tinh thần và sự quyết liệt của ngành tài chính.
Trong những năm qua, môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục đạt được những bước chuyển biến mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế và DN đánh giá cao. Năm 2017, Việt Nam xếp thứ 55/137 quốc gia về năng lực cạnh tranh toàn cầu; môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ 82/189 lên 68/190 của bảng xếp hạng). Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), đây là mức tăng tốt nhất mà Việt Nam đạt được trong thập niên qua. Các chỉ số này được ghi nhận chính là nhờ vào nỗ lực cải thiện thủ tục nộp thuế, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng giao dịch điện tử của Việt Nam trong thời gian qua.
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam đã được nâng từ mức ổn định lên mức tích cực trong năm 2017 (theo nhận định của 3 tổ chức xếp hạng Moody’s, Standards and Poor’s và Fitch). Chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 12/2017 cũng đã tăng lên 52,5 điểm. Điều này minh chứng cho sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và điều kiện kinh doanh của nước ta hiện nay.
Kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2017) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ cộng đồng DN. Cụ thể, niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% DN tư nhân trong nước và 60% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết, họ sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.
Đạt được những kết quả trên, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung cải cách, toàn diện, hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính với cách làm sáng tạo và linh hoạt (một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định và một thông tư sửa nhiều thông tư); đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tuy có tăng áp lực, trách nhiệm lên cơ quan quản lý nhưng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp); hiện đại hóa quản lý như áp dụng hệ thống thông quan điện tử tự động VNACSS/VCIS trong lĩnh vực hải quan, hệ thống kê khai nộp thuế điện tử. Những nỗ lực cải cách trong quản lý hành chính thuế, hải quan đã góp phần giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, xuất nhập khẩu.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, tại hội thảo “Các giải pháp và chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập” tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới cần thực hiện tốt các luật về thuế đã được Quốc hội thông qua nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện chính sách một cách hiệu quả; bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng để doanh nghiệp tích tụ vốn đưa vào sản xuất.
Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Đối với lĩnh vực thuế, hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; ban hành chế độ quản lý rủi ro đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng thanh tra/kiểm tra về thuế; Tiếp tục sửa đổi quy định về hồ sơ hoàn thuế, phần mềm hỗ trợ tự động xây dựng báo cáo hồ sơ hoàn thuế; Triển khai đồng bộ, rộng khắp ứng dụng công nghệ thông tin