Chỉnh sửa gen cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu: Vẫn cần thời gian để nông dân đón nhận
Thời gian gần đây, những diễn biến của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là hiện tượng La Nina đã khiến ngành nông nghiệp chịu những tác động không nhỏ, đòi hỏi mỗi quốc gia và toàn thế giới có những biện pháp thích ứng. Và một trong những biện pháp nước ta đã áp dụng và khá thành công trên thực tiễn là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghiệp cao vào nông nghiệp.
Tại phiên thảo luận "Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới" diễn ra ngày 19/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy dẫn chứng gần một nửa dân số ở các nước đang phát triển dựa vào nông nghiệp để kiếm sống. Theo Thứ trưởng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là một trong những động lực quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản.
"Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhưng sản xuất nông nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Vậy giải pháp nào cho nông nghiệp có thể cân bằng và phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp cũng như đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu", Thứ trưởng đặt vấn đề.
Theo ông Duy, yếu tố quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường, sức khỏe cộng đồng. Đồng thời cũng thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Thách thức này đòi hỏi các quốc gia phải có hướng đi mới, giải pháp mới đột phá và chỉ có khoa học công nghệ mới giải quyết được.
Hiện nay, nhiều nông sản thương hiệu Việt đã hiện diện và chinh phục được các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, được người tiêu dùng quốc tế đón nhận. Ước tính, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh các vấn đề trong nông nghiệp, các chuyên gia cũng chia sẻ thêm về các tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, giáo sư Ermias Kebreab, Giám đốc Trung tâm Lương thực thế giới thuộc Đại học California cho biết, với những diễn biến như hiện tại, đến năm 2050, thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy tiêu cực như mưa lũ thất thường, cháy rừng, nước biển dâng. "Trận lụt kinh hoàng diễn ra ở Pakistan thời gian quan cho thấy nhiều nguồn gây hại mới cho nông nghiệp. Điều này cho thấy ta cần thích ứng, cần một nền nông nghiệp thích ứng" - chuyên gia chia sẻ.
Cũng chia sẻ về chủ đề này, Giáo sư Pamela Ronald (Khoa Bệnh học Thực vật & Trung tâm Bộ Gen tại Đại học California, Davis) cho biết ở Nam Á và Đông Nam Á, theo dự đoán, ngập úng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người nông dân, làm thất thoát 4 triệu tấn lúa, ảnh hưởng an ninh lương thực.
Để đối mặt với tình trạng trên, giáo sư Ermias Kebreab đưa ra 4 giải pháp để xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng bền vững: phát triển giống cây trồng mới chịu được ngập úng, chỉnh sửa gen để cây trồng chống chọi với dịch bệnh, giảm phát thải ròng trong nông nghiệp về 0 và đưa trí tuệ nhân tạo vào canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, các giải pháp này sẽ còn cần một thời gian dài để có thể ứng dụng rộng rãi và được các quốc gia, đặc biệt là nông dân đón nhận.
Tiến sĩ Van Schepler-Luu - Trưởng Bộ môn Bệnh thực vật và Tính kháng của cây ký chủ tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) cho biết: “Không dễ dàng gì đưa một loại cây biến đổi gen vào một vùng lãnh thổ, nhất là các nước xuất khẩu gạo. Chúng tôi có 14 giống cây để triển khai ở Mỹ, Úc… nhưng nhiều nông dân châu Á từ chối sử dụng cây biến đổi gen. Chỉ một số ít nơi sẵn sàng như Ấn Độ, Philippines”.