Chủ tịch FLC: Doanh nghiệp ứng biến theo tinh thần "chiến tranh du kích, tự lực cánh sinh"
Cơ hội để thiết lập sức mạnh
Ví cuộc chiến COVID-19 như chiến tranh, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng bối cảnh COVID-19 ở Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh trong thời gian tới khi Chính phủ đang chuyển từ trạng thái “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả”.
Ông Bình cho rằng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thiết lập sức mạnh, đồng thời ông tin tưởng kinh nghiệm phản ứng nhanh, linh hoạt, dự báo Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chiến thắng Covid-19 ngoạn ngục mà hiếm quốc gia nào làm được.
"Ngay cả chúng ta áp dụng phương án 3 tại chỗ khi có dịch thì cũng chỉ vài tuần một tháng nhưng nếu dịch ở lại 3 năm chúng ta có 3 tại chỗ được nữa không? Vì thế chúng ta phải linh hoạt", Chủ tịch của FPT nêu tình huống.
Theo ông Bình, trong cuộc chiến chống dịch chúng ta thiếu oxy thì cái doanh nghiệp đang thiếu chính là tiền. Do đó, các doanh nghiệp cần đề nghị Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí lương, điện nước bằng các chi phí cố định, nhà nước phải bảo lãnh để các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay. Khi doanh nghiệp bảo vệ được nguồn lực thì sẽ hồi phục rất nhanh.
Đề cập đến công nghệ như một “vaccine” cấp thiết cho doanh nghiệp, lãnh đạo FPT cho rằng đây là “mũi tiêm” có thể bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp không chỉ trong thời dịch bệnh. Công nghệ, hay các giải pháp số sẽ giúp doanh nghiệp tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài.
Nhìn nhận đại dịch Covid-19 là khủng hoảng bất khả kháng, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long cho rằng, Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà toàn xã hội.
Theo ông Thọ, đây cũng là khoảng thời gian quý giá để tái tạo năng lượng rất tốt. Trong tam giác "cá nhân - gia đình - sự nghiệp", ông Thọ nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng gia đình với tình yêu thương, sự tương tác có tác dụng rất tích cực trong dịch bệnh hiện nay. Theo ông Thọ, COVID-19 làm mọi thứ chậm lại cho chúng ta có thời gian để hướng nhiều hơn về bên trong.
Về quản trị doanh nghiệp, ông Thọ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp, tái cấu trúc và chuyển đổi số. Những điều này đã đem lại cho Thiên Long một sự tiếp sức rất tốt trong mùa dịch, mang lại sự tự tin, gắn kết trong tổ chức.
Bà Dung ví von mỗi cuộc gặp gỡ, họp mặt của CLB Sảo đỏ cũng là một cuộc truyền năng lượng."Tôi thấm nhuần tư tưởng của anh Trương Gia Bình, phải chuyển sang thời chiến và đó là một định hướng rất rõ. Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta phải tích tụ nguồn năng lượng, năng lượng cá nhân, đội ngũ và tổ chức. Đó là một tài sản".
Chuyển đổi linh hoạt
Chia sẻ về vấn đề bảo toàn nguồn lực trong thời điểm thách thức nhất, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cho biết doanh nghiệp quý trọng và tận dụng tối đa bất cứ cơ hội nào sau giãn cách.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ông Trịnh Văn Quyết cho biết với FLC dù "trong thời bình hay thời chiến" thì đều ưu tiên sự uyển chuyển. Với FLC, cứ được đi lại mở cửa du lịch thì 1 tuần 1 tháng cũng quý. Trong 2 năm qua doanh nghiệp luôn tận dụng tối đa những cơ hội được đi lại như vậy.
“Dịch bệnh ở Việt Nam luôn trong tình trạng On – Off. Nếu doanh nghiệp cứ đóng cửa hoàn toàn thì không thể ứng phó được mà phải tìm cách ứng biến như thời chiến. Tức là ở tình trạng Off thì bảo toàn nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, các kế hoạch là nếu được mở cửa thì phải làm ngay những việc gì. Để một khi mở cửa, phải tận dụng được ngay cơ hội được đi lại để tiếp sức cho doanh nghiệp”.
Theo ông Quyết, tiền chưa hẳn là "máu", là nguồn sống trong thời điểm này mà được đi lại bình thường để có thể làm việc trong giai đoạn này thì với người dân, doanh nghiệp mới là "máu". Bởi nếu cứ hạn chế đi lại như gần 2 năm vừa qua thì "lương thảo" của doanh nghiệp dù có tích lũy nhiều đến mấy cũng đến lúc cạn kiệt.
Do đó, ông Quyết bày tỏ kiến nghị với Chính phủ cho phép người dân được đi lại bằng các phương tiện giao thông một cách bình thường.
Nhớ lại giai đoạn tháng 5-7 năm ngoái, ông Quyết chia sẻ hoạt động kinh doanh của FLC khi ấy còn khởi sắc hơn cả khi chưa có dịch, các phòng khách gần như kín chỗ, hàng không thì tăng cường chuyến. Để làm được điều này doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó.
Đồng thời, ngay thời điểm đó, doanh nghiệp cũng luôn phải chuẩn bị kich bản xấu nhất trong vài ba năm để khi xảy ra tình huống xấu nhất cung có thể ứng phó.
Nhưng, nếu cứ kéo dài 3 - 5 năm thì doanh nghiệp cũng không thể trụ được, may mà tình trạng dịch bệnh luôn trong tình trạng "on-off" để có thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị dòng tiền, chuẩn bị "lương thảo" - Chủ tịch FLC cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Quyết cho rằng phải luôn luôn linh hoạt, ứng biến theo tinh thần "chiến tranh du kích", tự lực cánh sinh.
"Thực tế khi mọi người đang kiến nghị được ra đường thì chúng tôi cũng đang chuẩn bị. Vừa qua, chúng tôi đã có chuyến bay thẳng tới Mỹ lần đầu tiên ở Việt Nam. Chuyến bay thành công rực rỡ, không nghỉ bất cứ chặng nào, 13h40p, chuẩn bị kĩ lưỡng và bài bản cho các chuyến bay thẳng Mỹ về sau", ông Quyết nói
Chống lại "Virus sợ hãi"
Ví von cơ thể người giống như doanh nghiệp yêu đi khi gặp phải virus, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, hiện nay trong doanh nghiệp cũng xuất hiện một loại virus mà nó đang tạo ra sức ỳ lớn đối với doanh nghiệp: Đó là virus sợ hãi.
Theo ông Hải, sự tồn tại của virus sợ hãi đã ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình dài trước đây và suốt đợt dịch vừa qua, gây ra tình trạng ách tắc dự án, cũng như nhiều vướng mắc rất bức bách của doanh nghiệp. Điều này có nguy cơ trở thành cục máu đông của nền kinh tế.
“Gần đây Bộ Chính trị ra Kết luận số 14 về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Giải quyết cục máu đông để khơi thông kinh tế, khơi thông đời sống, hoạt động trở lại là cần thiết”, đại diện Alphanam mong những ách tắc của doanh nghiệp cũng được Chính phủ đưa vào “luồng xanh” để giải quyết nhanh, quyết liệt như những quyết sách áp dụng với cuộc chiến Covid vừa qua.
Tiếp lời ông Hải, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhận định: "Việc gì mà Bộ Chính trị ra nghị quyết thì tôi thấy rõ ràng là các việc lớn, thể hiện rõ ràng kể cả Chính phủ và Bộ Chính trị đều biết việc đó".
Ví dụ, gần đây Bộ Chính trị ra nghị quyết bảo vệ cho những người dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm. Ông Đoàn cho rằng "con virus sợ hãi" từng làm cho cả một quá trình dài trước đây và quá trình dịch bệnh vừa rồi, những gì liên quan đến dự án, những việc rất bức bách của doanh nghiệp thì đều dừng lại.
"Chúng ta hy vọng có nghị quyết vừa rồi, Chính phủ và các bộ ban ngành, địa phương phải biến nghị quyết thành hiện thực", ông Đoàn kỳ vọng.
Cuối cùng, đề cập đến nội dung nghị quyết về phục hồi kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho biết nghị quyết này có hẳn một chương về "chiến lược phục hồi sau COVID-19" và đề nghị các doanh nhân trong CLB Sao Đỏ hãy đồng hành cùng cơ quan của Chính phủ trong quá trình xây dựng văn bản này để đưa tiếng nói của "Sao Đỏ" vào thực tế.