Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intimex Đỗ Hà Nam: Ông vua xuất khẩu cà phê Việt

15:15 | 22/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Luôn độc chiếm vị trí dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu trong nhiều năm liên tục, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Intimex Group được gọi là “ông vua xuất khẩu cà phê” của Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex là ai?

Năm 2006, CTCP Tập đoàn Intimex được thành lập và đi vào hoạt động trên cơ sở cổ phần hóa thành công chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu (XNK) Intimex tại TP.HCM. Sau đó, từ XNK Intimex được đổi tên thành CTCP Tập đoàn Intimex (Intimex Group) từ năm 2011.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn này là ông Đỗ Hà Nam. Ông sinh năm 1956 tại Hà Nội, nguyên quán tại Quảng Nam. Hiện ông cư trú ở phường 2, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intimex Đỗ Hà Nam: Ông vua xuất khẩu cà phê Việt - ảnh 1 

Chân dung ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex Group.

Về trình độ học vấn, ông có bằng Kỹ sư Kinh tế nông nghiệp - Đại học Bách khoa Hà Nội và bằng Cử nhân Kinh tế - Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Ngoài Intimex, doanh nhân sinh năm 1956 này còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Bê tông Hòa Cầm (mã HCC) và CTCP Mascopex, cả hai công ty này đều là thành viên của Intimex Group. Bên cạnh đó, ông Nam còn là Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Phó chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), Chủ tịch các câu lạc bộ các nhà XK cà phê Việt Nam.

Dưới sự dẫn dắt của ông Đỗ Hà Nam, Intimex Group luôn độc chiếm vị trí dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu trong nhiều năm liên tục, giúp vị chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn được gọi là “ông vua xuất khẩu cà phê” của Việt Nam.

Một số cột mốc sự nghiệp quan trọng của ông Đỗ Hà Nam

Theo học kỹ sư nông nghiệp tại Bulgaria từ năm 1974, về nước, ông Đỗ Hà Nam vào làm việc tại Công ty Vật tư Tổng hợp Phú Khánh, tỉnh Phú Khánh (từ năm 1989, Phú Khánh tách thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). 

Từ tháng 06 năm 1979 đến tháng 12 năm 1983: CNV Công ty Vật tư tổng hợp Phú Khánh

Từ tháng 01 năm 1984 đến tháng 04 năm 1989 : Phó Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Vật tư tổng hợp Phú Khánh

Từ tháng 05 năm 1989 đến tháng 12 năm 1989 : Chuyên viên Chi nhánh Công ty XNK Intimex tại Đà Nẵng

Từ năm 1990 đến 1991: Phó giám đốc chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu Intimex tại Đà Nẵng

Từ năm 1991 đến 1995: Giám đốc Chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu Intimex tại Đà Nẵng

Từ năm 1996 đến 1999: Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex tại TP.HCM

Từ năm 2006: Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex

Từ năm 2008: Phó Chủ tịch VICOFA

Từ năm 2011: được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

 Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intimex Đỗ Hà Nam: Ông vua xuất khẩu cà phê Việt - ảnh 2

Ông Đỗ Hà Nam đã được các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu nông sản tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA).

Quá trình lớn mạnh cùng những quyết sách M&A khôn ngoan

Là doanh nghiệp lớn, Intimex Group không ngừng đứng top đầu trong các đơn vị xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình kinh doanh cà phê đang trong lúc không thuận, cứ vào mùa vụ cà phê mới, những tin đồn mất mùa và tâm lý găm hàng tràn lan trên thị trường, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước điêu đứng.

Thậm chí, Công ty TNHH Trường Ngân (trụ sở tại Bình Dương) là đại gia trong ngành cà phê cũng bị 6 ngân hàng siết nợ số tiền vay gần 1.000 tỉ đồng hồi giữa năm 2013, rơi vào tình trạng phá sản.

Để phát triển bền vững, ông Đỗ Hà Nam và ban lãnh đạo của tập đoàn luôn biết cách đưa ra những quyết sách M&A khôn ngoan. Điển hình có thể thấy, quá trình 8 năm qua, sự phát triển của Intimex Group luôn gắn liền với hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp có cùng chức năng, ngành nghề. Đây được coi là một trong những chiếc “chìa khóa” thành công quan trọng của Intimex Group. 

Ông Đỗ Hà Nam chỉ nói một cách đơn giản về sự tăng trưởng của Intimex Group: “Chúng tôi xây dựng nguyên tắc: năm sau phải tăng trưởng cao hơn năm trước tối thiểu 10%”.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intimex Đỗ Hà Nam: Ông vua xuất khẩu cà phê Việt - ảnh 3 

Ông Nam nhận định, trong giai đoạn 2006 - 2010, thị trường xuất hiện khá nhiều doanh nghiệp làm ăn thất bại, Intimex có cơ hội mua lại với giá rất rẻ.

Nhờ những quyết sách này, đến nay, Intimex Group nắm cổ phần chi phối (từ 51% trở lên) của 12 doanh nghiệp thành viên. Có những thời điểm, hoạt động M&A giúp Công ty đạt mức tăng trưởng 50-100%, tạo nên bước phát triển mạnh cho Intimex Group. 

Đơn cử như năm 2012 các công ty thành viên đã đóng góp gần 10.000 tỷ đồng trong 27.000 tỷ đồng tổng doanh thu.

Bên cạnh đó, Công ty cũng mở rộng phát triển đầu tư vào nhiều mặt hàng nông sản đa dạng. Doanh nghiệp xây dựng nhiều nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu chất lượng cao nằm ở các vùng trọng điểm sản xuất cà phê của Việt Nam với tổng công suất hàng trăm nghìn tấn/năm, một nhà máy chế biến tiêu sạch xuất khẩu cùng 5 trung tâm thương mại tại Buôn Ma Thuột, Đắk Mil, Tây Ninh, Đà Nẵng và Hải Phòng. Hệ thống mạng lưới hoạt động của Công ty trải dài từ Bắc đến Nam với 5 chi nhánh.

“Chữ tín” của ông Đỗ Hà Nam giúp Intimex thắng lớn trong vụ mở tờ khai đêm

Với doanh thu hơn 38.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu lên tới gần 900 triệu USD và 11 nhà máy chế biến cà phê, điều, tiêu, gạo..., Intimex xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500) năm 2014...

Để đạt được thành công này, vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex luôn đề cao chữ tín. Ông nhận định rằng: “Nếu có chữ tín thì tiền không phải là vấn đề quyết định. Đó chính là bài học đầu tiên tôi rút ra được trong cuộc đời làm thương mại của mình.”

Nhờ vào việc xây dựng chữ tín, Intimex Group luôn đảm bảo sự khác biệt của mình giữa vô số doanh nghiệp khác, gây dựng lòng tin với những người cung cấp nguyên liệu là nông dân. 

 Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intimex Đỗ Hà Nam: Ông vua xuất khẩu cà phê Việt - ảnh 4

“Khi mình chọn người nông dân là sự sống còn của chính mình thì phải trả cho họ cái giá xứng đáng nhất “, ông Nam đúc kết.

Trong hàng chục năm sự nghiệp, đó luôn là một trong những điều ông đúc kết được:

Xây dựng uy tín để giúp bạn vượt qua khó khăn dễ dàng hơn;

Không ngừng học hỏi mọi lúc, mọi nơi để thành công, nhất là nếu không có khả năng thiên bẩm;

Cần phải đặt lợi ích chung lên trên hết và cố gắng tạo sự khác biệt. 

Nhờ có quan điểm kinh doanh này, trong năm 2020, Intimex Group đã “thắng lớn” khi mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm. Thời điểm đó, Bộ Công Thương có quyết định phê duyệt và công bố danh sách "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" năm 2019. Riêng ngành gạo, có 26 doanh nghiệp đạt danh hiệu này, trong đó có Intimex Group.

Như vậy, sau cuộc đua đăng ký mở tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020,  Intimex Group đã đăng ký được 96.234 tấn, chiếm gần 25% tổng khối lượng gạo được phép xuất khẩu là 399.999,73 tấn trong tháng 4-2020.

Intimex Group hiện đang là đơn vị giữ vị trí số 1 trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gạo (và cả cà phê) trong sáu tháng đầu năm 2020. 

Theo đó, Intimex Group đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 161 triệu đô la Mỹ chỉ với riêng mặt hàng gạo, trong sáu tháng đầu năm 2020. Con số này cao hơn đơn vị xếp thứ hai là Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood II) khoảng 30 triệu đô la Mỹ (Vinafood II đạt hơn 131 triệu đô la Mỹ).

Hiện nay, ngoài trở thành đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, Intimex Group còn giành được vị trí thứ ba về xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam với với số lượng hàng chục nghìn tấn hồ tiêu mỗi năm và đứng trong top 10 nhà xuất khẩu gạo lớn của cả nước.

Xem thêm: Chuỗi cà phê Thái Lan Amazon muốn bành trướng thị trường Việt bằng mô hình nhượng quyền

Phương Thúy