Chủ tịch KOCHAM Hong Sun: Mỗi tỉnh thành của Việt Nam đã có ít nhất một công ty có vốn đầu tư của Hàn Quốc
PV: Nhìn lại 2022, ông có đánh giá ra sao về bức tranh các ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp xuất khẩu mà Hàn Quốc là thị trường tiềm năng?
Chủ tịch KOCHAM Hong Sun: Quý IV/2022, Việt Nam chứng kiến sự giảm mạnh về đơn đặt hàng từ các nước tiêu dùng quan trọng như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Sau đại dịch Covid, các nước tiên tiến, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bỏ rất nhiều gói kích thích quy mô lớn để vực dậy nền kinh tế. Nhưng điều đó dẫn đến hệ quả là lạm phát cao do lượng tiền tệ đi vào thị trường quá lớn trong khoảng thời gian ngắn và nó đang trở thành sức ép mất giá rất cao cho nhiều đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.
Việt Nam đang kiểm soát tương đối tốt vấn đề đó. Chúng tôi kỳ vọng rằng nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn có thể vượt qua được một số vấn đề về hàng tồn kho cũng như đơn hàng trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trở lại.
PV: Hàn Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường tiềm năng và quan trọng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, chẳng hạn với hai mặt hàng thép và nhựa. Xin ông cho biết đánh giá của mình về triển vọng xuất khẩu các mặt hàng này sang Hàn Quốc trong năm 2023?
Chủ tịch KOCHAM Hong Sun: Ngành thép và nhựa đã trải qua khoảng thời gian khó khăn, nhất là trong bối cảnh tín dụng vào nền kinh tế cũng như ngành sản xuất công nghiệp gặp khó trong vài tháng cuối năm trong khi nhu cầu trên thị trường toàn cầu giảm tốc. Triển vọng ngành sản xuất công nghiệp một khi chuyển màu ảm đạm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến động lực tăng trưởng kinh tế nói chung.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu và theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường toàn cầu, bởi những ngành này chịu sự tác động lớn từ thị trường quốc tế. Chẳng hạn, việc xuất khẩu các sản phẩm thép và nhựa của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ chịu tác động lớn từ diễn biến thị trường bất động sản, xây dựng của Hàn Quốc và tình hình kinh tế thế giới. Chúng tôi kỳ vọng giai đoạn khó khăn chung của thế giới sẽ sớm chấm dứt.
Mới đây, nhiều chuyên gia Hàn Quốc trong hội thảo về triển vọng kinh tế 2023 cũng cho biết, trung bình thời gian khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ kéo dài tối thiểu 2 tháng, thông thường là 10 tháng. Như vậy, các doanh nghiệp ngành công nghiệp nói riêng cũng như các ngành nghề khác cần đề ra những phương án chuẩn bị thật kỹ lưỡng để sẵn sàng đối mặt và vượt qua kịch bản xấu nhất.
PV: Theo ông, đâu là cơ hội và thách thức của việc phát triển kim ngạch thương mại song phương Việt - Hàn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất định hiện nay?
Chủ tịch KOCHAM Hong Sun: Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc được ký kết hồi cuối năm 2015 đã thúc đẩy thương mại song phương giữa 2 nước phát triển mạnh. Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã tăng từ 500 triệu USD kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao lên 87,7 tỷ USD trong năm 2022, tương đương gấp gần 180 lần.
Đầu năm nay, tại chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP); phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Như vậy, năm nay được xem là năm bản lề của quan hệ thương mại song phương với mục tiêu tham vọng 100 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương.
PV: Ông có thể đưa ra những nhận định sâu sắc thêm về xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong những năm tới đây?
Chủ tịch KOCHAM Hong Sun: Các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều quan tâm về mở rộng đầu tư vào Việt Nam.Các suất đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam không chỉ dừng lại ở 1 lĩnh vực mà là rất nhiều lĩnh vực, trong đó sản xuất công nghiêp là lĩnh vực hút vốn đầu tư chính, tiếp theo là bất động sản, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ viễn thông và cả về sản xuất nông nghiệp.
NĐT của chúng tôi đang quan tâm về hầu hết tất cả loại hình kinh doanh trên quy mô khắp 63 tỉnh thành. Tính đến nay, mỗi một tỉnh thành trên đất nước Việt Nam đã có ít nhất hơn một công ty có vốn đầu tư của Hàn Quốc. Tương lai chúng tôi kỳ vọng tiếp tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam như một thị trường tiềm năng với khả năng tăng trưởng ấn tượng trong tương lai.