Chủ tịch KOCHAM: Triển vọng FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn sáng trong bối cảnh bất định

Trang Nguyễn 11:02 | 30/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là chia sẻ của ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) với phóng viên (PV) Doanh nhân Việt Nam.

Nhân dịp đầu năm Quý Mão, tân Chủ tịch KOCHAM  - ông Hong Sun đã có buổi trao đổi với PV Doanh nhân Việt Nam về một năm 2022 đầy thách thức cũng như những triển vọng trong năm 2023 nhiều khởi sắc với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ông Hong Sun - Tân Chủ tịch KOCHAM khoá 15 (Ảnh: Trang Nguyễn)

TRIỂN VỌNG FDI HÀN QUỐC VÀO VIỆT NAM NĂM 2023 VẪN TÍCH CỰC

PV: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung đó, ông có thể nhận định sơ lược về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam năm qua?

Ông Hong Sun: Nhìn chung đến nay, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn đang trong cơn biến động. Tuy nhiên, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam có triển vọng lạc quan hơn, với tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam đạt trên 8% (8,02% theo số liệu của Tổng cục Thống kê).

Hiện tại, có 9.800 thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam KOCHAM hoạt động tại Việt Nam, trong đó, hơn 75% là doanh nghiệp sản xuất và chế tạo. Phần lớn các doanh nghiệp này đều hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Điểm sáng là trong năm qua, phần lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc đều có kết quả kinh doanh khả quan, cũng như ghi nhận mức tăng trưởng cao trong 3 quý đầu năm. Dù vậy, trong quý IV/2022, do những thách thức từ thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp này đều chịu chung tình cảnh sụt giảm đơn hàng quốc tế, đặc biệt là các đơn hàng quần áo, vải vóc và túi xách. 

Trong nửa đầu năm 2023, nhiều dự báo cho thấy các thách thức sẽ còn tiếp tục. Hiện tại, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn đang phải tìm cách đương đầu, cũng như tìm kiếm thêm các cơ hội phát triển tại Việt Nam; cũng như rất lạc quan về triển vọng năm 2023 và coi Việt Nam là 1 điểm đến lý tưởng để phát triển kinh doanh. 

Vào tháng 12/2022, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cùng nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, chính thức mở ra chương mới trong quan hệ Việt - Hàn với tương lai tương sáng cho cả 2 đất nước, 2 dân tộc. Do đó, chúng tôi kỳ vọng trong năm 2023, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác cùng phát triển, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn về văn hoá, quân sự, năng lượng... 

PV: Thời gian qua, trong bối cảnh đồng USD mạnh và lãi suất tăng ở nhiều quốc gia, có nhiều  lo ngại rằng dòng vốn sẽ rút khỏi những thị trường mới nổi. Vậy đâu là yếu tố giúp Việt Nam thu hút vốn FDI từ Hàn Quốc cũng như các nhà đầu tư quốc tế với kết quả giải ngân FDI kỷ lục trong năm 2022? 

Ông Hong Sun: Theo tôi, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và doanh nhân Hàn. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã đạt được các kết quả hết sức ấn tượng khi đầu tư vào Việt Nam, điều này đã trở thành động lực thu hút thêm các nhà đầu tư mới, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn tiếp tục mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu COVID-10, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi đáng kinh ngạc. 2022 là năm đầu tiên thế giới vượt qua đại dịch, nhưng cũng là năm nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Điều này đã gây sức ép lớn lên giá cả các mặt hàng năng lượng, bao gồm gas, xăng dầu, than... Đồng thời, với nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ giá hối đoái chịu sức ép lớn khi đồng nội tệ mất giá so với USD, dẫn đến nhiều thách thức đối với các nhà đầu tư khi rót vốn vào các nước khác, bao gồm Việt Nam.

Ngoài ra, lãi suất là 1 trong những vấn đề cực kì quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài do vấn đề huy động vốn. Trước năm 2022, lãi suất ở mức khá thấp, tuy nhiên, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tăng lãi suất, toàn thế giới đã bị ảnh hưởng, dẫn đến sụt giảm suất đầu tư từ nước ngoài. Dĩ nhiên, Việt Nam cũng trong tình cảnh tương tự, nên các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã thận trọng hơn khi rót vốn vào Việt Nam.

Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng rằng việc Chính phủ Việt Nam sớm tháo gỡ các vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung, cũng như các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng sẽ làm tăng sức hấp dẫn với dòng vốn trong tương lai. 

Chẳng hạn, cho đến thời điểm này, các thủ tục xin, gia hạn giấy phép lao động và visa tại Việt Nam còn khá phức tạp trong khi thời hạn sử dụng còn quá ngắn (1 năm). Tính phức tạp của thủ tục hành chính (phải thực hiện trực tiếp tại Hàn Quốc) và sự bất tiện trong thời gian thực hiện các thủ tục (không thể xuất cảnh, không được lại xe do thời hạn giấy phép lái xe trùng với thời hạn visa, gặp nhiều trục trặc khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng...) có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút FDI. Để so sánh, khi đầu tư vào các quốc gia khác (bao gồm Mỹ), các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể dễ dàng hoàn thiện thủ tục với thời hạn sử dụng khá thoải mái...

PV: Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất định như hiện tại, triển vọng của dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2023 dự báo ra sao thưa ông?

Ông Hong Sun: Nhìn chung, 2023 sẽ là năm nhiều biến động và thách thức, đặc biệt trong vấn đề lãi suất và tỷ giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2022, hai nước Việt - Hàn đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về các chỉ số hợp tác kinh tế. Hàn Quốc hiện đứng thứ 3 về hợp tác thương mại với Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 88 tỷ USD (theo số liệu của Bộ Công Thương). Trong năm 2023, hai nước kỳ vọng phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD. Như vậy, đối với Hàn Quốc, Việt Nam hiện là đối tác quan trọng trong khu vực, do đó, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan tâm và rót vốn vào thị trường Việt Nam.

PV: Hồi tháng 6/2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 667/QĐ-TTg về Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030, hướng đến thu hút FDI vào các dự án có quy mô lớn và công nghệ cao. Dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam có đang chảy theo xu hướng này?

Ông Hong Sun: Trong những năm đầu thập niên 1990 - 2000, Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực gia công tại Việt Nam, bao gồm may mặc, giày dép, túi xách... Tuy nhiên, kể từ năm 2008 khi nhà máy của Samsung được thành lập tại Bắc Ninh, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, đồ gia dụng... - đây là các lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị doanh thu nhưng sử dụng ít nhân công.

Ngoài ra, vào ngày 23/12/2022, Chủ tịch Tập đoàn Samsung đã đến Hà Nội và dự lễ khánh thành của trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam. Đây là trung tâm R&D lớn nhất khu vực Đông Nam Á và cũng là 1 trong 5 trung tâm R&D lớn nhất trên thế giới của Samsung. Qua đó, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ không còn là đất nước thuần gia công linh kiện với nhân công giá rẻ, mà sẽ trở thành 1 quốc gia cùng nghiên cứu và phát triển sản phẩm với các tập đoàn toàn cầu. 

Hiện tại, nhiều tập đoàn Hàn Quốc đã và đang đầu tư phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Ví dụ, LG hiện có nhà máy tại Hải Phòng (LG Display) chuyên sản xuất linh kiện, màn hình chất lượng cao cho các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Hanwha cũng có một nhà máy tại Hoà Lạc(Hanwha Aero Engines) chuyên sản xuất các linh kiện động cơ máy bay. Rất nhiều công ty Hàn Quốc đã gặt hái được những thành quả hết sức tích cực khi đầu tư vào Việt Nam. Với các nhà đầu tư Hàn Quốc như chúng tôi, sứ mệnh hàng đầu chính là đồng hành và cùng phát triển với nhân dân Việt Nam.

"Với các nhà đầu tư Hàn Quốc như chúng tôi, sứ mệnh hàng đầu chính là đồng hành và cùng phát triển với nhân dân Việt Nam", ông Hong Sun chia sẻ (Ảnh: Trang Nguyễn)

DƯ ĐỊA LỚN CHO DÒNG VỐN CHẢY VÀO CÁC STARTUPS

PV: Hiện Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới việc phát triển các startups (doanh nghiệp khởi nghiệp). Ông đánh giá như thế nào về xu hướng rót vốn của Hàn Quốc vào các startups Việt trong 2022?

Ông Hong Sun: Startups là 1 lĩnh vực Hàn Quốc hết sức quan tâm, cũng như đã và đang phát triển cực kỳ mạnh. Dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực startups là khá dồi dào, do Hàn Quốc đang là thị trường chín muồi. Còn đối với Việt Nam, startups là lĩnh vực hết sức thuận lợi và còn nhiều dư địa bởi Việt Nam chưa phải là một đất nước công nghiệp có nền tảng lâu đời như Nhật Bản hay Mỹ. Trong những năm đầu thập niên 60-70, Hàn Quốc là một quốc gia rất nghèo, tuy nhiên, chúng tôi đã vươn lên và làm ra ‘kỳ tích sông Hàn'. Hiện giờ, Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên ‘kỳ tích sông Hồng' với sự phát triển vượt bậc về kinh tế và nòng cốt là những startups. Do đó, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực startups tại Việt Nam.

Hàn Quốc hiện có The Invention Lab - 1 trong những tổ chức hàng đầu về chương trình gia tốc khởi nghiệp đã đầu tư vào một số startups Hàn Quốc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng đang tìm kiếm nhiều cơ hội kết nối với các startups Việt Nam, cũng như mở rộng mạng lưới mối quan hệ nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển các doanh nghiệp này một cách hiệu quả và nhanh chóng. 

Tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn tất công trình xây dựng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (National Innovation Center - NIC) tại Mỹ Đình, Hà Nội. Điều đó cũng sẽ giúp đỡ và tạo điều kiện phát triển cho các startups Việt Nam. Nếu đẩy mạnh vấn đề truyền thông thì chắc chắn nhiều quỹ đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục quan tâm và tham gia đầu tư cho các startups Việt Nam.

PV: Ông có nhận định gì về cơ hội và thách thức đối với các startups của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong năm 2023, đặc biệt là dòng vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital)?

Ông Hong Sun: Về mặt cơ hội, dù nền tảng về khoa học công nghệ của Việt Nam còn chưa đạt trình độ cao so với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhưng Việt Nam lại có thế mạnh trong việc ứng dụng, vận dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, Việt Nam cũng là một nước có tốc độ phát triển nhanh và không phải trải qua tất cả các cuộc Cách mạng Công nghiệp trong lịch sử. Hơn nữa, dân số Việt Nam không quá lớn và thị trường nội địa lại phát triển mạnh, do đó, các startups làm về lĩnh vực khoa học công nghệ có thể dễ dàng phát triển tại thị trường nội địa. 

Tuy nhiên, họ cũng có thể gặp những thách thức nhất định, đặc biệt là vấn đề thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm, cũng như chưa có 1 hệ sinh thái hoàn chỉnh và thuận lợi cho việc phát triển startups. Chính vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam cũng nên cởi mở hơn trong các chính sách thu hút vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) và quỹ đầu tư thiên thần (angel capital). Đặc biệt, dòng vốn FDI nên được ra, vào thoải mái hơn.

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này.