Chủ tịch Nam Long kiến nghị ba giải pháp giúp hạ giá nhà tối thiểu 20%
Bộ Xây dựng và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long cho biết, trong các báo cáo gần đây về thị trường bất động sản Việt Nam, có một điều bất ngờ là dòng sản phẩm hạng C hay nhà giá rẻ, nhà ở xã hội không còn. Đây là điều rất đáng lo ngại, trong khi Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đô thị hóa, quốc gia trẻ, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn.
Ông Quang đề xuất cần xây dựng chính sách riêng, đặc thù cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hướng đến xã hội hóa; đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, thiết kế công trình theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, tăng dân số khoảng 1,2 - 1,5 lần so với tiêu chuẩn hiện hành.
Bên cạnh đó, nên chăng giảm thuế VAT cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ; triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
"Theo kinh nghiệm của Singapore và Hà Lan, bản chất không phải Nhà nước tài trợ tài chính mà chỉ xây dựng chính sách để các quỹ đầu tư, các quỹ tài chính được hợp tác với người mua nhà và doanh nghiệp sử dụng người lao động để tạo ra gói hỗ trợ người mua nhà", vị này nói.
Cũng theo Chủ tịch Nam Long, hiện nay, cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bởi việc triển khai khâu thủ tục đầu tư dự án mất khoảng 2 - 3 năm.
Do đó, ông Quang đưa ra ba đề xuất. Thứ nhất, đưa chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng chính vào giá thành nhà ở xã hội. Thứ hai, điều chỉnh định mức chi phí đầu tư với nhà ở xã hội phù hợp với thực tế. Thứ ba, thay việc miễn tiền sử dụng đất bằng việc không thực hiện tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội.
Bởi theo vị này, khi dùng từ “miễn tiền sử dụng đất” thì doanh nghiệp phải làm cả một quy trình để định giá đất, sau đó mới xin miễn giảm của tất cả các Sở, Ban, ngành. Chúng ta mất rất nhiều thời gian, có thể lên tới 12 tháng.
"Với ba giải pháp này, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản tham gia vào chương trình nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Giá nhà có thể giảm tối thiểu trên 20%, có thêm hàng triệu căn nhà mới đáp ứng Chương trình phát triển nhà ở quốc gia 2021 - 2030", Chủ tịch Nam Long nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP FECON cho biết, việc xác định 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có nhiều dự án thành phần.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP FECON. (Ảnh: Báo Xây dựng).
Cụ thể, theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: “Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng nhà ở xã hội”.
Tuy nhiên, đối với trường hợp một Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới có quy mô diện tích lập quy hoạch lớn, nếu dự án đó chia thành các dự án thành phần có quy mô khác nhau, pháp luật về nhà ở chưa có quy định yêu cầu mỗi dự án thành phần phải đảm bảo dành 20% trong tổng diện tích đất ở của từng dự án hay quy định chỉ cần đảm bảo tỷ lệ trung bình của cả dự án tổng thể trong đồ án quy hoạch chi tiết đảm bảo 20% là đạt yêu cầu.
Theo ông Khoa, điều này có thể dẫn đến cách hiểu là mỗi nhà đầu tư tại mỗi dự án thành phần phải đảm bảo diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội là 20%, dẫn đến tỷ lệ trên tổng quy hoạch có thể nhiều hơn 20%, ảnh hưởng tính khả thi và hiệu quả kinh tế của các dự án.
Do đó, FECON đề xuất Cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể để hướng dẫn đối với trường hợp nêu trên.