Chủ tịch Sao Ta lý giải nguyên nhân doanh thu tăng mà lợi nhuận giảm, dự báo ‘có thể rút khỏi Mỹ trong kịch bản xấu nhất’
Lên kế hoạch thận trọng trước những biến động thuế quan
Tại Đại hội, ban lãnh đạo FMC nhận định môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2025 tiếp tục "biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ", tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, công ty đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh khá thận trọng.
Doanh thu thuần mục tiêu 6.540 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, đều giảm nhẹ so với kết quả thực hiện năm 2024. Cổ tức dự kiến duy trì ở mức 20% mệnh giá, chi trả sớm trong quý II.

Kết thúc quý I, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC cho biết, dù doanh số quý I tăng mạnh gần 42% so với cùng kỳ (đạt 70,5 triệu USD), sản lượng sản xuất và tiêu thụ cũng tăng tương ứng (41-42%), nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ đạt khoảng 36 tỷ đồng. Trong đó, công ty con Thực phẩm Khang An đóng góp 16 tỷ đồng.
Lý giải về điều này, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết có 2 nguyên nhân chính.
Đầu tiên là yếu tố nội tại ngành: Giá tôm nguyên liệu trong nước duy trì ở mức cao, tình hình nuôi tôm gặp khó khăn, kéo dài thời gian nuôi, làm tăng chi phí sản xuất và thu hẹp biên lợi nhuận. Cùng đó, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ (thị trường có biên lợi nhuận thấp nhất) còn lớn. FMC duy trì đơn hàng sang Mỹ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động và giữ nhịp sản xuất, dòng tiền trong bối cảnh các thị trường khác còn trầm lắng.
Ông Lực cũng cho biết, công ty con Khang An năm 2024 đóng góp lợi nhuận lớn (240 tỷ đồng) nhờ chiến lược dự trữ nguyên liệu giá rẻ hiệu quả. Tuy nhiên, lợi thế này không còn trong năm 2025 do nguồn cung không đủ để dự trữ. Do đó, kế hoạch lợi nhuận 2025 của Khang An giảm còn 160 tỷ đồng, FMC công ty mẹ dự kiến đóng góp 260 tỷ đồng để đạt mục tiêu hợp nhất 420 tỷ đồng.
Lên kịch bản sẵn sàng rút lui khỏi thị trường Mỹ
Trả lời cổ đông về kịch bản ứng phó nếu Mỹ áp thuế 46%, Chủ tịch Hồ Quốc Lực cho biết: Đây là vấn đề rất khó dự đoán chính xác vì phụ thuộc vào phạm vi áp dụng thuế, cụ thể là áp cho toàn bộ sản phẩm từ Việt Nam hay chỉ một số mặt hàng nhất định.
“Theo tôi được biết, các phân tích gần đây, kể cả trên báo chí trong nước, cũng lấy nguồn từ dữ liệu nước ngoài, chưa có sự rõ ràng tuyệt đối. Ví dụ như nếu thuế 46% này áp cho tất cả mặt hàng từ Việt Nam xuất sang Mỹ, thì sẽ rất đáng ngại. Nhưng nếu chỉ mang tính chất tổng quát hoặc tùy loại sản phẩm, thì mức độ tác động sẽ khác nhau rất nhiều.
Tôi có đọc một phân tích trên một bài báo, trong đó thống kê rằng trong tổng kim ngạch hơn 130 tỷ USD xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ năm 2024, bốn nhóm hàng lớn nhất gồm linh kiện điện tử, iPhone, gỗ, và giày dép chiếm hơn 50% giá trị. Trong khi đó, xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ khoảng 800 triệu USD, tức là chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Như vậy, nếu bị áp thuế, mức độ ảnh hưởng của ngành tôm không thể so sánh với các nhóm hàng lớn khác.
Thêm nữa, mức thuế 46% hiện nay vẫn chỉ là một con số giả định. Có nhiều người cho rằng mức thuế có thể thấp hơn, khoảng 23%, và nếu đối thủ của Việt Nam chỉ bị áp 20%, thì Việt Nam vẫn còn cơ hội cạnh tranh.
Hiện tại, đối thủ của tôm Việt Nam là Ecuador, có lợi thế giá rất rẻ, nhưng họ lại không mạnh về chế biến sâu. Ngược lại, FMC tập trung vào các dòng sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao. Dù giá thành nuôi của Việt Nam cao hơn, nhưng sản phẩm chế biến vẫn có thị phần riêng. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, Việt Nam bị áp thuế 46% còn các nước khác chỉ bị khoảng 20%, thì khả năng cao là chúng tôi phải rút khỏi thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, hiện FMC mới chỉ chiếm 8% thị phần tại thị trường này, trong khi các đối thủ khác như Ấn Độ đã có hơn 35%. Nếu Mỹ áp mức thuế đồng đều cho cả Việt Nam và đối thủ, thì thị trường này gần như đóng lại với tất cả, chứ không riêng Việt Nam. Và tất nhiên, lúc đó họ vẫn cần tôm, nên sẽ vẫn phải nhập từ những nơi phù hợp.
Còn về con số ảnh hưởng cụ thể đến lợi nhuận nếu phải rút khỏi Mỹ thì hiện tại chưa thể tính toán chính xác. Nhưng tôi có thể chia sẻ rằng riêng trong quý I năm nay, FMC và công ty con đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 46 triệu USD. Nếu tính cả lượng hàng đang chạy trong 40 ngày gần nhất thì con số có thể lên tới hơn 60 triệu USD.
Việc xuất trước như vậy giúp chúng tôi phần nào giảm thiểu rủi ro nếu chính sách thuế thay đổi sau 90 ngày. Và nếu không thể tiếp tục xuất sang Mỹ, chúng tôi sẽ tăng cường thâm nhập các thị trường khác – như Canada, Úc, Hàn Quốc – và đặc biệt là Nhật Bản, nơi FMC có thế mạnh sẵn có. Trung Quốc cũng là một thị trường rất tiềm năng mà chúng tôi đang theo dõi để sẵn sàng bước vào khi đủ điều kiện”, lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Đề cập đến việc chuyển hướng và đa dạng hoá thị trường, Ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám độc FMC chia sẻ: “Chiến lược chuyển hướng thị trường đã được Công ty tính đến từ lâu. Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các thị trường mới như Canada, và thị trường Úc, vốn có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe. Nhưng nhờ vùng nuôi tốt, chúng tôi tự tin sẽ đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc cũng đang có tiềm năng tăng sản lượng”.
Bổ sung thêm, ông Lực cho biết: “Về Trung Quốc, đây là thị trường tiềm năng số một. Nhưng để thâm nhập, phải hội đủ điều kiện mà hiện tại FMC vẫn chưa đạt. Khi điều kiện chín muồi chúng tôi sẽ vào.
Còn thị trường nội địa hiện chỉ chiếm khoảng 2% doanh số, chủ yếu tiêu thụ hàng “lọc” từ xuất khẩu, ví dụ những sản phẩm có lỗi nhỏ như tôm bị rách đuôi, trầy vỏ… được phân phối cho các hệ thống chế biến trong nước. FMC sẽ không bỏ qua thị trường này, nhưng do cạnh tranh rất khốc liệt, đồng thời Công ty muốn tập trung trên 1 mặt trận. FMC không thể thắng trên 2 mặt trận, không phải coi nhẹ thị trường nội địa”.
“Việc mở rộng thị trường không phải bây giờ mới làm, mà đã thực hiện từ nhiều năm trước. Chúng tôi không quá lo nếu phải rút khỏi thị trường Mỹ, vì đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các thị trường thay thế. Thời gian để tiếp cận thị trường mới không quá lâu - thậm chí chỉ trong năm nay đã có thể triển khai được. Chi phí thì phụ thuộc vào mối quan hệ với khách hàng.
Chúng tôi có lợi thế là đã quen biết nhiều đối tác từ trước. Họ tin tưởng mình và sẵn sàng mở rộng nhập khẩu nếu mình chủ động cung ứng. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi hỗ trợ giá để mở đầu, rồi cùng nhau phát triển lâu dài. Như vậy, chi phí tiếp cận thị trường mới là có, nhưng không đến mức quá lớn hay không kiểm soát được”, Chủ tịch HĐQT FMC cho hay.