Lãnh đạo Sao Ta: DN thủy sản gặp nhiều 'phiền phức, phí tổn' khi Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường

Trang Mai 14:30 | 14/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo lãnh đạo CTCP Sao Ta (mã: FMC), việc Hoa Kỳ chưa công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường sẽ tiếp tục bất lợi cho các doanh nghiệp ta có xuất hàng vào thị trường này mà chẳng may vướng các vụ kiện, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp tôm.

Trong tháng 7 vừa qua, doanh số chung của Sao Ta đạt 31,25 triệu USD (khoảng 781 tỷ đồng), cùng kỳ năm 2023 chỉ ở mức 21,3 triệu USD. Đây cũng là doanh thu theo tháng cao nhất của doanh nghiệp xuất khẩu tôm này kể từ khi hoạt động. 

 

Mặc dù tình hình dịch bệnh ở các vùng nuôi khiến tôm phát triển không như mong muốn, Sao Ta cho biết thành quả nuôi “khá ổn” đã tạo điều kiện cho kết quả kinh doanh khả quan.

Tháng 7 cũng là tháng Khang An Foods - công ty con do Sao Ta nắm 51,5% cổ phần - đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ khi thành lập vào đầu năm 2021, đóng góp không nhỏ vào kết quả chung của doanh nghiệp.

“Năm nay, dù thời tiết thất thường cả châu Á lẫn châu Mỹ nhưng dự báo sản lượng tôm toàn cầu vẫn tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, hoàn cảnh nước ta có chút khác biệt, mưa nhiều dồn dập sẽ diễn ra trong tháng 8 và tháng 9, khiến hoạt động nuôi tôm thêm khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh tôm giống nhiễm bệnh tỷ lệ khá cao, tỷ lệ thành công sẽ giảm thấp, gây thiệt hại. Từ đó, khả năng từ nay đến cuối năm lượng tôm thương phẩm của ta sẽ không nhiều, giá cả theo quy luật cung cầu sẽ tăng lên, gây thêm khó cho cơ sở chế biến. 

Trên cơ sở nhận định này, vừa qua các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu đã ký nhiều hợp đồng để có việc làm cho cả năm, đồng thời để giảm thiểu rủi ro, việc dự trữ nguyên liệu lúc giá rẻ đã diễn ra khá thuận lợi trong tháng 7”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta chia sẻ. 

Với việc chiếm đến 34% thị phần xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản, Sao Ta được kỳ vọng hưởng lợi từ diễn biến đồng Yên tăng giá trong nửa cuối năm nay. Trong phân tích mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ giá JPY/VNĐ tính đến ngày 8/8 đang cao hơn 5% so với quý trước đó.

Bất lợi cho doanh nghiệp thuỷ sản khi Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường

Bên cạnh 2 xu hướng khả quan về sản lượng bán hàng và tỷ giá, Sao Ta nói riêng và các đơn vị trong ngành thuỷ sản nói chung vẫn đang đối mặt rủi ro bảo hộ thương mại, liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) tại Hoa Kỳ.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, khi chia sẻ với cổ đông về vụ kiện CVD ngành tôm từ thị trường Mỹ, ban lãnh đạo đánh giá đây là vấn đề phức tạp và chưa có tiền lệ. Do đó, “trước mắt công ty sẽ tập trung bán vào Mỹ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt".

Theo lãnh đạo Sao Ta, mức CVD của Mỹ đối với tôm Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác, tuy nhiên đây mức là mức công bố sơ bộ, mức thuế cuối cùng dự kiến chốt vào tháng 8-9/2024. Nếu mức thuế CVD cuối cùng của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác thì đây là lợi thế cho tôm Việt. 

Đối tượng đánh thuế chống trợ cấp cũng tương tự như hoạt động chống bán phá giá, trong đó tôm tẩm bột và tôm chiên không bị áp thuế. 

Đánh giá về sự kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chưa công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường, trên website, đại diện Sao Ta nhận xét : “Sự kiện này không khách quan, bởi nước ta đã được 72 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường, trong đó có Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… là những quốc gia lớn.

Sự kiện này sẽ tiếp tục bất lợi cho các doanh nghiệp ta có xuất hàng vào Hoa Kỳ chẳng may vướng các vụ kiện như nêu trên, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp tôm ta. Bởi qua đó, DOC sẽ không công nhận các dữ liệu của các doanh nghiệp ta cung cấp để xem xét thuế, mà lấy số liệu thay thế từ nước thứ ba, gây nhiều phiền phức, phí tổn, thậm chí không công bằng. 

Theo lịch trình, 19/10/2024, DOC công bố mức thuế CVD cuối cùng và trước 3/12/2024 Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ có kết luận là vụ kiện này sẽ kết thúc hay còn diễn tiến. Riêng vụ kiện AD, đang xem xét hành chính lần thứ 19 (PR19), bị đơn bắt buộc là 2 doanh nghiệp Stapimex và Thông Thuận. Hai đơn vị này nhờ luật sư hỗ trợ, tư vấn làm sổ sách và báo cáo lên DOC theo quy định. Dự kiến mức thuế sơ bộ sẽ được công bố theo lịch trình, khả năng ở đầu năm 2025”.

Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu này còn liên tục áp dụng các hàng rào kỹ thuật khắt khe theo tiêu chuẩn, chất lượng cũng như thủ tục của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cùng các quy định về kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đặc biệt về môi trường nuôi trồng, dư lượng kháng sinh, quy định về ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa, bản quyền… 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), Hoa Kỳ luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, có rất nhiều dư địa, nhưng cũng không ít rào cản khiến doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhiều phen “lao đao”. Trong đó, có những vấn đề kéo dài nhiều năm như thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và cả vấn đề “nóng” của năm 2024 là thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.

Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 tỷ USD – 2,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18%-23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra…

Việt Nam đồng thời cũng là một đối tác nhập khẩu cho các nhà kinh doanh thủy sản Mỹ với giá trị nhập khẩu từ 65-70 triệu USD/năm. Những sản phẩm nhập khẩu nổi trội là cá hồi, cá trích, cá minh thái, cá bơn…