Chủ tịch Trần Hùng Huy: Nhà lãnh đạo trẻ vừa có tài, vừa có tầm, giúp ACB vượt qua tâm bão

20:30 | 15/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ một thiếu gia trẻ tuổi trở thành người thuyền trưởng đầy bản lĩnh của ACB, ông Trần Hùng Huy đã vượt qua cái bóng lớn của cha mình để khẳng định vị thế của riêng bản thân.

Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy là ai?

Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978 tại TP.HCM. Nguyên quán của ông là ở Tiền Giang nhưng hiện tại đang cư trú tại P. 5, Q. 3, TP. HCM. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm ngân hàng với bố là ông Trần Mộng Hùng – một trong những nhà sáng lập ACB, mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nhà băng.

Về trình độ học vấn, năm 2002, ông tốt nghiệp Đại học Chapman - Hoa Kỳ để nhận bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh. Tới năm 2011, ông tiếp tục có thêm bằng Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Golden Gate - Hoa Kỳ.

Hiện nay, ông Trần Hùng Huy đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), được bổ nhiệm vào ngày 18/9/2012.

Chủ tịch Trần Hùng Huy: Nhà lãnh đạo trẻ vừa có tài, vừa có tầm, giúp ACB vượt qua tâm bão - ảnh 1 

Chân dung Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy.

Về tài sản, vị Chủ tịch ACB hiện tại đang nắm giữ trong tay số lượng 74,071,670 cổ phiếu mã ACB của chính ngân hàng này tính đến ngày 20/08/2020, chiếm tỷ lệ 03.43%. Với số cổ phiếu này, giá trị tài sản của ông Trần Hùng Huy trên thị trường chứng khoán Việt Nam là 2,685.1 tỷ VNĐ, theo giá trị cổ phiếu được cập nhật đến ngày 10/05/2021.

Cũng tại ngân hàng này, mẹ của ông Huy là bà Đặng Thu Thủy - người nắm giữ số lượng 25,817,788 cổ phiếu mã ACB tính đến ngày 20/08/2020, với giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam là 935.9 VNĐ, theo giá trị cổ phiếu được cập nhật đến ngày 10/05/2021.

Quá trình công tác của Chủ tịch ACB

Từ năm 2002 đến tháng 02 năm 2004, ông là Chuyên viên nghiên cứu thị trường Ngân hàng TMCP Á Châu.

Từ năm 2004 đến năm 2008, ông là Giám đốc Marketing Ngân hàng TMCP Á Châu.

Từ năm 2006 đến ngày 18 tháng 09 năm 2012, ông là Thành viên HĐQT, Phó Tổng GĐ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu.

Từ ngày 18/9/2012 đến nay, ông ngồi vào ghế nóng Chủ tịch HĐQT  Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, trở thành người thuyền trưởng lèo lái, dẫn dắt ngân hàng ngày một phát triển.

Đây là một hành trình không hề dễ dàng, đặc biệt là khi ông trở thành sếp lớn nhất của ngân hàng ACB khi tuổi đời còn quá trẻ, lại đúng lúc ngân hàng này có scandal bầu Kiên khiến thị trường tài chính chao đảo. Nhưng bằng bản lĩnh của mình, ông Trần Hùng Huy đã từng bước tìm lại được vị thế vốn có của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu trên thị trường.

Chủ tịch Trần Hùng Huy: Nhà lãnh đạo trẻ vừa có tài, vừa có tầm, giúp ACB vượt qua tâm bão - ảnh 2 

Năm 2012, khi mới 34 tuổi, Trần Hùng Huy bất ngờ được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và nhanh chóng đưa ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng.

Ông Trần Hùng Huy: Từ một thiếu gia trẻ tuổi trở thành người thuyền trưởng đầy bản lĩnh của ACB

Là con trai của ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập và giữ chức chủ tịch ACB trong một thời gian dài, bản thân ông Trần Hùng Huy cũng nắm giữ trong tay 3% cổ phần của ngân hàng này. Cả gia đình ông vẫn nắm giữ tỷ lệ 11,5% của ACB. Đó chính là lý do mà ông Trần Hùng Huy đã trở thành thành viên HĐQT của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu khi mới 30 tuổi.

Vài năm sau đó, khi mà vụ bầu Kiên bị phanh phui, ACB bắt đầu chao đảo trên thị trường tài chính, bộ máy nhân sự bắt đầu xuất hiện tình trạng “chảy máu chất xám”, ông Trần Hùng Huy là người nhận chức Chủ tịch HĐQT với tâm thế gồng mình để bước qua cơn sóng dữ.

Từ bé, sinh ra trong gia đình có cả cha và mẹ đều là những người lãnh đạo kỳ cựu trong ngành tài chính ngân hàng, ông Huy đã được đào tạo bài bản và gắn bó với nghề ngân hàng suốt một thời gian dài. 

Vị chủ tịch trẻ tuổi từng nhiều lần chia sẻ rằng, một may mắn của mình là do “ba mẹ không hề can thiệp vào công việc mà để mình tự lực”. Thực ra, vị trí đầu tiên ông khi mới vào ACB làm là nhân viên bán hàng và ngay cả ba mẹ cũng không biết. Ông tình cờ nhìn thấy tin tuyển dụng, sau đó nộp đơn và trúng tuyển vào làm việc tại ngân hàng. Ngày đầu tiên đi làm, do đi chung xe nên lúc đó, ba mẹ ông mới biết con trai mình cũng làm ở ACB.

Chính quá trình đi lên từ vị trí một chuyên viên bình thường đã giúp ông am hiểu sâu về hoạt động và đường lối phát triển của ACB. Do đó, dù có tuổi đời còn rất trẻ, tuổi nghề cũng không quá nhiều, ông Trần Hùng Huy vẫn đủ bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn, thách thức trước mặt. 

Đầu tiên, ông đã giảm bớt số nợ khổng lồ từ con số lỗ 520,7 tỷ đồng quý 3/2012 xuống 158,6 tỷ đồng quý 4/2012, đem về những chỉ số thuận lợi cho ACB ngay trong quý đầu của “nhiệm kỳ”. Sang năm 2013, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng thoát lỗ và bước đầu đem lại lợi nhuận dù khiêm tốn. Lợi nhuận sau thuế quý 1,2 và 3/2013 lần lượt đạt 307 tỷ đồng, 409,7 tỷ đồng và 400,8 tỷ đồng.

 Chủ tịch Trần Hùng Huy: Nhà lãnh đạo trẻ vừa có tài, vừa có tầm, giúp ACB vượt qua tâm bão - ảnh 3

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: “Không có đam mê, làm mà không sướng thì không nên nhận.”

Trong năm 2014, ACB đã nâng triển vọng tín nhiệm từ "tiêu cực" lên "ổn định" theo tổ chức Fitch đánh giá dựa trên những sức ép từ rủi ro phát sinh tại ACB sau vụ án Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) lên hệ thống tài chính đã giảm thiểu.

Năm 2017-2018, ngân hàng do Trần Hùng Huy đứng đầu liên tiếp có kết quả kinh doanh nhảy vọt. Lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng này là gần 6.400 tỷ đồng – tăng 2,4 lần so với năm 2017, dù đã trích tới gần 1.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng.

Tới thời điểm kết thúc năm kinh doanh 2020, ACB đã gây ấn tượng khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2020 với khoản lợi nhuận trước và sau thuế cao kỷ lục.

Trong đó, nếu tính riêng quý IV/2020, nhà băng này ghi nhận hơn 4.400 tỷ đồng thu nhập lãi thuần (lãi cho vay trừ lãi đi vay), tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung cả năm 2020, dù cũng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 như những nhà băng khác trong hệ thống, nhưng thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong cả năm qua đã đạt mức kỷ lục gần 14.600 tỷ, tăng 20% so với 2019. Xét theo số tuyệt đối, mức tăng kể trên tương đương gần 2.400 tỷ đồng lãi thuần.

Quý I/2021, ngân hàng này cũng tiếp tục ghi nhận lãi 3.100 tỷ đồng, là một dấu hiệu vô cùng khả quan.

Với mức lợi nhuận trên, trong nhóm những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống năm 2020, ACB hiện đứng thứ 6 và xét riêng nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, đơn vị này đứng thứ 3, chỉ xếp sau VPBank (13.000 tỷ) và MBBank (10.688 tỷ).

Có thể thấy, ông Huy đã ngày một chứng minh bản lĩnh của mình khi đương đầu với sóng gió, đồng thời bước ra khỏi chiếc bóng lớn của cha để tìm đến vị thế riêng cho bản thân. Nhắc đến cái tên Trần Hùng Huy, người ta không chỉ gợi nhớ đây là con trai của nhà đồng sáng lập ACB, mà còn là một thuyền trưởng trẻ tuổi nhưng vô cùng tài ba của một trong những ngân hàng TMCP nổi bật nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay.

 Chủ tịch Trần Hùng Huy: Nhà lãnh đạo trẻ vừa có tài, vừa có tầm, giúp ACB vượt qua tâm bão - ảnh 4

Năm 2021, ACB sẽ có nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng khả quan, ông Huy nhận định.

Chủ tịch ngân hàng “nghìn like”

Không chỉ bản lĩnh trên thương trường, ông Huy còn chứng tỏ sức hút của mình khi là vị chủ tịch ngân hàng duy nhất tại Việt Nam xuất hiện công khai trên Facebook với lượt theo dõi lên đến hàng nghìn người.

Đặc biệt, trong năm 2018, tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập ngân hàng ACB, vị chủ tịch trẻ tuổi đã xuất hiện trên sân khấu và trình diễn các hit Attention, Uptown Funk, Ngày mai em đi… cùng phong cách nhảy cực kỳ "cute hạt me".

Clip ghi hình nhanh chóng xuất hiện và viral trên mạng xã hội, thu hút đông đảo sự chú ý từ dư luận. Cũng kể từ thời điểm đó, vị thiếu gia xuất hiện trước công chúng và lên Facebook nhiều hơn trước với hình ảnh đời thường giản dị, gần gũi. Nhiều người còn đặt biệt danh cho ông là Chủ tịch ngân hàng “nghìn like”.

Hình ảnh vị chủ tịch năng động cũng gián tiếp tạo ra một hình ảnh rất khác về ngân hàng ACB kể từ sau sự cố bầu Kiên năm 2012. Đó sẽ là hình ảnh trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và rất "4.0".

Xem thêm: ACB dự kiến chia 25% cổ tức bằng cổ phiếu, đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 10.602 tỷ đồng

Phương Thúy