Chủ tịch VCCI: EVFTA nâng tầm những cơ hội tích hợp

08:50 | 27/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, ông Vũ Tiến Lộc, đồng chủ tịch Liên minh VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh EVFTA là một hiệp định thương mại tự do mang tính dẫn dắt, giúp nâng tầm những cơ hội tích hợp cho cả Việt Nam và EU.

Chủ tịch VCCI: EVFTA nâng tầm những cơ hội tích hợp - ảnh 1
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch  VCCI chia sẻ bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019. Ảnh: Minh Hoa/DNVN.
Thị trường EU không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA dự kiến được ký kết vào ngày 30/6 tới sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, hút đầu tư từ EU gấp đôi, gấp ba trong thời gian tới.

Quan trọng nhất ở thị trường này không chỉ ở kim ngạch xuất khẩu và đầu tư mà ở chất lượng của dòng chảy thương mại đầu tư, bởi vì EU là một thị trường rộng lớn nhưng tương đối khó tính, có mức thu nhập cao. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ có giá cả tốt hơn. Nhất là khi dòng thuế giảm xuống, chúng ta có khả năng tiếp cận thị trường này và có thể đẩy mạnh xuất khẩu với giá trị gia tăng lớn.

“Nhìn vào xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, chúng ta đừng chú trọng đến tổng kim ngạch, quan trọng nhất là giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam có được từ việc đó. Quan hệ đối với thị trường như EU là thị trường bổ sung, tương hỗ với chúng ta chứ không cạnh tranh trực tiếp với chúng ta. Đấy là một thị trường lý tưởng cho việc tăng cường giá trị gia tăng của thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cho rằng, các nhà đầu tư của Việt Nam muốn đầu tư trở lại để xuất khẩu sang EU và ra thế giới. Họ là nơi có nguồn tài chính rất dồi dào. EVFTA mang lợi cho cả hai bên, không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước châu Âu, người dân châu Âu. Châu Âu sẽ có nhiều việc làm hơn, có thêm cơ hội để phát triển hơn và Việt Nam có cơ hội để cất cánh.

Việt Nam và EU sẽ tiếp tục sát cánh, nhanh chóng xây dựng chương trình hành động cho hiệp định thương mại tự do mang tính dẫn dắt này.

Tác động vô cùng lớn

Theo ông Lộc, EVFTA mang lại những cơ hội mang tính tích hợp chứ không phải riêng lẻ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và để cho chúng ta có thể thực hiện được ước vọng bứt phá, khát vọng trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 như Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

Điều quan trọng mà EVFTA mang lại là có thể nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việt Nam đứng trước yêu cầu mới là tái cấu trúc đầu tư ngoài nước, hướng vào dòng đầu tư có chất lượng cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn. Dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ hay từ châu Âu, Nhật Bản là những dòng đầu tư đáp ứng yêu cầu đó.

“Ở đây chúng ta khơi thông được nguồn vốn đầu tư với chất lượng cao hơn vào nền kinh tế Việt Nam và cũng có thể nói rằng, trong quá trình làm ăn, đối với các đối tác châu Âu, đối tác của các nền kinh tế có thể dẫn dắt thế giới về những chuẩn mực, kể cả về thương mại, quản trị doanh nghiệp thì Việt Nam sẽ có điều kiện để nâng cấp mình lên”, ông Lộc khẳng định.

EVFTA là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến Việt Nam khi tham gia vào những cam kết ở thị trường EU với những chuẩn mực thế giới về đầu tư. Hiệp định có tác động vô cùng lớn, không chỉ là cơ hội mà còn là áp lực cho Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, vươn tới những thể chế kinh tế theo chuẩn mực toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt phải nâng tầm quản trị nhưng cần được giảm tải

Ông Lộc nhấn mạnh: Khi chơi với EU có thị trường phát triển cao trên thế giới, Việt Nam sẽ có điều kiện nâng tầm. Doanh nghiệp Việt cần phải nỗ lực rất lớn.

Xét về số lượng doanh nghiệp hiện nay, có hai quan niệm. Nếu chỉ coi là doanh nghiệp có đăng ký thì Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp. Nhưng nếu coi doanh nghiệp theo nghĩa rộng như thế giới quan niệm bao gồm cả các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh, thì Việt Nam đã có trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký và số này, nếu xét về quan niệm kinh tế thì chính là các doanh nghiệp, các thực thể kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế.

Chủ tịch VCCI chỉ ra một thực tế đáng suy nghĩ: Về số lượng, Việt Nam không có quá ít thực thể kinh doanh so sới thế giới. Nhưng xét về chất lượng thì khác. Khu vực tư nhân đóng góp 40% GDP, nhưng có tới 30% đóng góp bởi các hộ kinh doanh và khu vực hộ kinh doanh là khu vực chưa chính thức, khu vực chưa đảm bảo sự minh bạch, chưa tiếp cận được quản trị kinh doanh hiện đại của thế giới.

Khảo sát về năng lực quản trị trong 6 nước hàng đầu ASEAN thì năng lực quản trị của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (vốn đứng hàng đầu về quản trị và minh bạch) Việt Nam đứng cuối với điểm số rất thấp.

Thực tế có đến trên 70% doanh nghiệp tư nhân không biết đến CTPPP, EVFTA, điều đó có nghĩa ngay cả thông tin doanh nghiệp chưa tiếp cận được, chứ chưa nói là doanh nghiệp vận dụng được, vận dụng sâu và có hiệu quả. Năng suất của khu vực này do đó rất thấp, hiệu quả khu vực này không cao, đó là chưa kể đến họ đang phải đương đầu với cạnh tranh toàn cầu ngay trên sân nhà.

“Vì vậy, việc nâng cấp doanh nghiệp Việt Nam là yêu cầu rất cấp bách, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp có đăng ký theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Chúng tôi đã đề nghị trong Luật Doanh nghiệp sắp tới, cần đưa hộ kinh doanh vào diện điều chỉnh nhưng không được khoác lên gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ đối với khu vực này. Phải làmđơn giản hơn, dễ thở và thuận lợi hơn, bớt chi phí cho họ và giúp cho họ minh bạch”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI: EVFTA nâng tầm những cơ hội tích hợp - ảnh 2
Nguồn: Internet. 
Ông Lộc cho biết, trong quá trình thực hiện các FTA vừa qua, Việt Nam mới chỉ hiện thực hóa được 40% lợi ích từ các hiệp định đó, trong đó, khu vực đầu tư  nước ngoài chiếm đến trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Có nghĩa các doanh nghiệp Việt chỉ được một phần rất nhỏ. Đó là một thách thức mà Việt Nam cần giải quyết.

Giải pháp mà ông Lộc đưa ra là: “Trong quá trình thực hiện hiệp định EVFTA, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, trước hết là Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan tăng cường phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn và thúc đẩy cho các doanh nghiệp để tận dụng tốt cơ hội này. Nhưng điều này cũng rất cần sự chủ động của doanh nghiệp.

Làm sao, doanh nghiệp FDI phải gắn kết được với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, có như vậy mới phát triển bền vững”.