VCCI: Hoàn thiện và đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Ngọc Quỳnh 16:48 | 07/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phản hồi đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nhiệm vụ của Bộ Xây dựng trong việc hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản, nhà ở, xây dựng để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, tạo nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Liên quan đến việc góp ý hoàn thiện dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, VCCI cho rằng, về nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân được quy định tại điều 1 mục III của Chương trình hành động tại dự thảo đã liệt kê một số nghị quyết về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân để yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan cần tiếp tục triển khai. 

Tuy nhiên, một vài văn bản quan trọng lại chưa được nhắc tới như Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2019 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Đó đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung các văn bản vào dự thảo.

Thêm nữa, việc giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các chính sách pháp luật; kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc có vướng mắc để tháo gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế tư nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định dự kiến ban hành hoặc mới ban hành đã làm gia tăng chi phí một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Vì vậy, theo VCCI cần phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư kinh doanh; đồng thời, kiến nghị thêm về các chính sách hiện hành. Ví dụ như đối với các quy định về điều kiện kinh doanh, trong quá trình xây dựng văn bản, cần có ý kiến đánh giá về điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các ý kiến thẩm định của văn bản có quy định về điều kiện kinh doanh phải có đánh giá/ý kiến riêng về điều kiện kinh doanh; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật …

Liên quan tới nhiệm vụ tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng được quy định tại điểm 2 mục III Chương trình hành động của dự thảo cũng cần bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Công Thương là "thúc đẩy và triển khai hiệu quả Quyết định số 221/QĐ-TTg về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2022-2026".

Riêng về nhiệm vụ tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân ở điểm 3 mục III Chương trình hành động, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nhiệm vụ của Bộ Xây dựng trong việc hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản, nhà ở, xây dựng để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, tạo nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân. Dự thảo Chương trình hành động hiện nay chỉ chủ yếu nhắc tới việc các bộ, ngành phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị quyết số 10-NQ/TW đã nhấn mạnh: "Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp trong phát triển kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, làm tốt vai trò tổ chức đại diện, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và tư vấn cho các hội viên". Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thể hiện rõ hơn yêu cầu nói trên. 

Để có thể đánh giá hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trên thực tế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cụ thể hóa tối đa các mục tiêu và lộ trình thực hiện trong Chương trình hành động, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình theo dõi, đánh giá việc thực hiện sau này.

Ngoài ra, VCCI cũng góp ý, ở Việt Nam hiện còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế tư nhân, khiến việc xây dựng chính sách, chương trình phát triển kinh tế tư nhân chưa bao trùm được các nhóm đối tượng. Ngay cả đối với dự thảo Chương trình hành động dường như các mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu mới chỉ tập trung vào nhóm đối tượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân (đóng góp 10% GDP), mà ít đề cập tới nhóm đối tượng hộ kinh doanh (đóng góp tới 30% GDP). Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét, nghiên cứu để có sự thống nhất về phạm vi khái niệm "kinh tế tư nhân" trong dự thảo Chương trình hành động.

Cuối cùng, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung việc thực hiện Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động theo tinh thần của Nghị quyết 98/NQ-CP nhằm làm cơ sở xây dựng và thực hiện Chương trình hành động cho giai đoạn tiếp theo.