Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu?
Ông Dũng sinh ngày 25/09/1968 tại Hà Nội từng có thời gian đi du học tại Liên Xô từ cuối thập niên 80. Đến giai đoạn từ 1991- 1993 là khoảng thời gian ông vừa học tập ông vừa kinh doanh.
Ông bắt đầu để lại dấu ấn của mình trên thương trường khi trở thành Chủ tịch HĐQT VPBank vào năm 2010 và tạo nên “cuộc cách mạng” trong kinh doanh ngân hàng này.
Ngay sau khi trở thành ông chủ quyền lực nhất VPBank, ông Dũng đã tiến hành một cuộc cách mạng về thương hiệu. Tên được đổi từ Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh Việt Nam thành Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.
Dấu ấn đầu tiên của ông Dũng là phát hành thành công 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào tháng 11/2010 với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Lúc đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng rất khó khăn, giá phát hành lại cao nhưng khoản “tiền tươi thóc thật” ông Dũng bỏ ra để mua cổ phần đã thuyết phục các nhà đầu tư khác cùng xuống tiền.
Thành công tiếp theo của ông Dũng là thuyết phục được người đồng nghiệp từng làm ở Techcombank là Nguyễn Đức Vinh về với VPBank vào năm 2012. Lúc đó, ông Vinh là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank.
Cặp bài trùng Ngô Chí Dũng – Nguyễn Đức Vinh đã ‘song kiếm hợp bích’, tạo nên làn gió mới cho VPBank.
Mới đây VPBank đã bán bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC với giá 1,4 tỷ USD, đây được coi là một trong những thương vụ "khủng" nhất ngành ngân hàng trong những năm trở lại đây.
Mức định giá rơi vào khoảng 2,8 tỷ USD, giá trị của FE Credit thậm chí còn đang cao hơn so với nhiều ngân hàng tầm trung tại Việt Nam như VIB, HDBank, SHB, OCB…
Ngày 17/08/2017, VPBank đã niêm yết hơn 1,33 tỷ cổ phiếu tại Sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) với mã chứng khoán VPB. Ở giá tham chiếu 39.000 đồng lúc đó, VPBank trở thành cổ phiếu ngân hàng đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán.
Trong năm 2020, VPBank đạt mục tiêu Top 5 Ngân hàng TMCP tư nhân và Top 3 Ngân hàng TMCP tư nhân bán lẻ hàng đầu về quy mô cho vay khách hàng, huy động khách hàng và lợi nhuận.
Tính đến hết quý I/2021, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 436 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với cuối năm 2020.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, VPBank báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngân hàng riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất. Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của VPBank lần đầu tiên đạt tới 3,3%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,7%, là những chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống các NHTM Việt Nam hiện nay.
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm VPBank vừa công bố cho thấy, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng và những người liên quan nắm giữ tới hơn 500 triệu cổ phiếu VPB, tương đương khoảng 19,8% vốn cổ phần ngân hàng. Nếu quy đổi theo thị giá hiện tại, khối tài sản này có giá trị hơn 34.500 tỷ đồng.
Riêng về ông Ngô Chí Dũng hiện nắm giữ hơn 121,6 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ 4,81%. Lấy mức giá giao dịch trên thị trường chứng khoán là 67.000 đồng/cổ phiếu, Chủ tịch Ngô Chí Dũng đang nắm trong tay 8.147 tỷ đồng từ việc sở hữu số cổ phiếu trên.
Chúng tôi sẽ có những thông tin chi tiết đến bạn đọc ở những kỳ sau.