Chứng khoán Mỹ giảm sau báo cáo về niềm tin của người tiêu dùng
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất gần 500 điểm, xuống 30.946,99 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 2% xuống 3.821,55 điểm. Còn chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite cũng ghi nhận mức giảm 3% xuống 11.181,54 điểm.
Thị trường chứng khoán tăng mạnh vào đầu phiên giao dịch, nhưng sụt giảm ngay sau khi công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ ở mức thấp nhất trong hơn một năm qua do lạm phát tăng cao.
Báo cáo niềm tin người tiêu dùng Mỹ trở nên ảm đạm hơn một phần là do cảm giác giá cả cao hơn sẽ tồn tại dai dẳng. Điều này cho thấy người tiêu dùng không chắc những nỗ lực mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể kiềm chế lạm phát hiệu quả.
Thị trường chứng khoán mở cửa tăng cao hơn sau khi Trung Quốc giảm thời gian kiểm tra dịch tễ bắt buộc đối với khách du lịch nội địa, trong một lần nới lỏng lớn nhất các hạn chế nhập cảnh sau khi tuân thủ chính sách “Không COVID” (Zero COVID) cứng nhắc trong suốt đại dịch.
Tuy nhiên, ngoài bên cạnh số liệu người tiêu dùng Mỹ, tâm lý giới đầu tư cũng chịu tác động của giá dầu mỏ tăng cùng với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng đi lên.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6, nhóm cổ phiếu ngân hàng càng giao dịch càng tích cực với biên độ tăng lớn. Đây cũng là động lực chính giúp VN-Index vượt mốc 1.200 điểm. Cụ thể, VN-Index tăng 15,28 điểm lên 1.218,1 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 588,3 triệu đơn vị, tương ứng gần 14.426 tỷ đồng. Toàn sàn có 326 mã tăng giá, 136 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 3,45 điểm lên 283,87 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 72,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.492 tỷ đồng. Toàn sàn có 130 mã tăng giá, 66 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.