Kịch bản nào cho tăng trưởng, lạm phát và thị trường chứng khoán 2022?
3 kịch bản tăng trưởng năm 2022
Dự báo tình hình kinh tế năm nay nhiều thách thức, nhóm nghiên cứu BIDV đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế.
Trong kịch bản tích cực, dự báo tăng trưởng GDP vẫn có thể đạt khoảng 6-6,5% nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022-2023; và giảm thiểu rủi ro, tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine. Nếu làm được những điều này, kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ, nhờ độ bao phủ vaccine cao, thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Ở kịch bản trung bình, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 5,5-6%.
Ở kịch bản tiêu cực, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể chỉ đạt 4,5-5%.
Về lạm phát, CPI bình quân năm 2022 dự báo sẽ ở mức 3,8-4,2%; có thể cao hơn mục tiêu 4% nhưng chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh và Việt Nam cần ưu tiên phục hồi năm nay. Dự báo đã tính đến sự cải thiện sức cầu, sự sôi động trở lại của các hoạt động kinh tế xã hội và tác động vòng 2, vòng 3 của việc tăng giá xăng dầu. Nhóm nghiên cứu nhận định: áp lực lạm phát, giá cả hàng hóa, dịch vụ toàn cầu ở mức cao cùng với đà phục hồi kinh tế của Việt Nam cao hơn năm 2021. Độ trễ của chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi sẽ là những thách thức chính đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022.
2 kịch bản cho thị trường chứng khoán
Kết hợp với một số phân tích của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhóm nghiên cứu của BIDV cho rằng sau năm 2020 và 2021 bùng nổ trên nhiều khía cạnh (quy mô, thanh khoản, số lượng nhà đầu tư F0..), triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sẽ điều chỉnh, đi vào ổn định hơn, lành mạnh hơn.
Cụ thể, 2 kịch bản mà nhóm nghiên cứu đưa ra cho thị trường chứng khoán năm nay như sau:
Kịch bản 1: VN-Index kết thúc năm ở 1.436 điểm với giả định EPS tăng trưởng 13% và P/E 14,5 lần. Thanh khoản bình quân 3 sàn đạt 932 tỷ USD/phiên (giảm 20%). Số tài khoản mở mới tăng 20%, vốn hóa thị trường giảm 4%.
Kịch bản 2: VN-Index kết thúc năm ở 1.614 điểm với giả định EPS tăng trưởng 16,5% và P/E 16,3 lần. Thanh khoản bình quân 3 sàn 1.107 tỷ USD/ phiên (giảm 5%), số tài khoản mở mới tăng 30%, vốn hóa thị trường tăng 8%.
Theo đó, nhóm chỉ ra một số yếu tố thuận lợi cho đà tăng trưởng của thị trường gồm đà phục hồi kinh tế trong nước (dự báo kịch bản tích cực tăng 6-6,5%, kịch bản trung bình tăng 5,5-6%, lạm phát tăng nhưng trong tầm kiểm soát khoảng 4%, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp...) giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện mạnh. Ngoài ra, dư địa của thị trường cổ phiếu vẫn còn lớn do Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thực hiện nghiêm hơn đối với yêu cầu niêm yết đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Đồng thời, tiềm năng và giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn giúp giữ chân khối ngoại trong khi thanh khoản được duy trì ở mức cao thu hút dòng vốn nhà đầu tư nội.
Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro có thể tác động đến thị trường chứng khoán như: Ở bên ngoài, lạm phát toàn cầu gia tăng, nhiều ngân hàng trung ương đang dần thắt chặt tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, qua đó tạo thêm áp lực rút vốn của khối ngoại và tỷ giá. Ở trong nước, 3 rủi ro chính là: (i) tính kết nối giữa TTCK và nền kinh tế thực có vẻ lỏng lẻo (thậm chí ngược chiều), khi kinh tế tăng trưởng thấp nhưng nhiều chỉ số chứng khoán tăng cao, không loại trừ khả năng thao túng, làm giá; (ii) thị trường TPDN tiềm ẩn rủi ro khi còn thiếu minh bạch, chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm và đã xuất hiện vụ hủy vài đợt phát hành của một số doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin; (iii) hiện tượng đòn bẩy tài chính tăng nhanh cùng với tâm lý đám đông, yêu cầu giải chấp có thể xảy ra khiến thị trường biến động mạnh mỗi khi có sự kiện liên quan.
6 kiến nghị chính sách
Đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm, nhóm nghiên cứu cho rằng có nhiều gam màu sáng nhờ Chính phủ quyết liệt khôi phục và mở cửa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhận định này dựa trên mức tăng tích cực của các chỉ số quan trọng so với cùng kỳ năm trước: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,3%, tổng kim ngạch thương mại tăng 16,1%, tổng mức bán lẻ tăng 9,7%, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 12,9%; khách quốc tế gấp 4,5 lần,… Nhưng song hành là nhiều thách thức như rủi ro từ bên ngoài ngày càng gia tăng, lạm phát trong nước tăng, giải ngân Chương trình phục hồi và đầu tư công còn chậm, vốn FDI mới đăng ký mới giảm; nợ xấu tiềm ẩn...
Với những phân tích và dự báo như trên, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia đưa ra 6 kiến nghị chính sách để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
[I] Chính phủ chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP về phòng, chống dịch, với phương châm nhất quán là “sống chung an toàn với Covid”, trong đó cần đẩy nhanh tiêm mũi tăng cường và tiêm vaccine cho trẻ em; sớm triển khai Nghị quyết 12 của UBTVQH về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, và chương trình nâng cao năng lực y tế.
[II] Chính phủ chỉ đạo nhất quán thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01 và 02; thực thi đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và nhanh chóng các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; trong đó các bộ, ngành cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh.
[III] Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát và phối hợp chính sách hiệu quả, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm: (i) thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, (ii) quản lý tốt giá xăng dầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ khác nhằm kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu 4%; (iii) nâng cao năng lực phân tích, dự báo, hệ thống chia sẻ thông tin phục vụ hiệu quả phối hợp chính sách và kiểm soát rủi ro phát sinh.
[IV] Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.
[V] Chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là với các cấu phần quan trọng (doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức tín dụng, đầu tư công và đơn vị sự nghiệp công…) nhằm huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
[VI] Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế; xây dựng hành lang pháp lý cho việc quản lý, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính một cách thực chất, thiết thực, trong đó việc ưu tiên tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn là rất cần thiết nhằm huy động và giải phóng nguồn lực, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, đất đai, xây dựng, thủ tục xuất nhập khẩu, giải thể doanh nghiệp…
TS. Cấn Văn Lực(*) và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
((*)TS Cấn Văn Lực là Ủy viên Hội đồng Biên tập của Tạp chí Doanh nhân Việt Nam)