Chứng khoán Mỹ phục hồi dù số liệu việc làm mới cao gấp đôi so với dự báo

Minh Quang 09:01 | 07/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ đã có biến động lớn trong phiên giao dịch cuối tuần. Sụt giảm mạnh đầu phiên nhưng tăng tới 400 điểm vào cuối phiên. Một số chuyên gia cho rằng sự sụt giảm của lợi suất là nguyên nhân khiến thị trường quay đầu.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 6/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 288 điểm, tương đương 0,87% và đóng cửa ở mức 33.408 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,18% chốt phiên với 4.309 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,6% lên mức 13.431 điểm.

 

Cổ phiếu VinFast (VFS) lại tiếp tục quay lại quỹ đạo giảm sau một phiên tăng giá. Cụ thể, cổ phiếu của hãng xe điện đã giảm 5,53% xuống còn 8,03 USD/cp. Khối lượng giao dịch còn 3,5 triệu đơn vị, thấp hơn mức trung bình. Vốn hóa VinFast tụt xuống còn 18,7 tỷ USD, vẫn đứng vị trí thứ 21 trong bảng xếp hạng những hãng xe lớn nhất thế giới. 

Bộ Lao động cho biết nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 336.000 việc làm trong tháng 9. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự kiến sẽ chỉ có thêm 170.000 việc làm mới. Tuy nhiên, tiền lương đã tăng ít hơn so với dự kiến.

Tăng trưởng tiền lương đã xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm.

Chứng khoán Mỹ đã có biến động lớn trong phiên giao dịch cuối tuần. Ban đầu, thị trường đi xuống do báo cáo việc làm cao hơn kỳ vọng. Ở mức thấp nhất trong phiên, chỉ số Dow Jones đã giảm tới 272 điểm. Ở mức đỉnh của phiên, chỉ số này đã tăng hơn 400 điểm. Nasdaq Composite và S&P 500 đã giảm 0,9% ở thời điểm thấp nhất trong ngày.

Các nhà giao dịch không có lý giải chắc chắn nào cho sự đảo chiều trong phiên. Một số người lưu ý rằng tăng trưởng tiền lương thấp có thể đã làm các nhà đầu tư suy nghĩ lại. Một số cho rằng sự sụt giảm của lợi suất là nguyên nhân khiến thị trường quay đầu.

Một phần lý do cũng có thể là do thị trường đã bị bán quá mức. Trong tuần này, đã có lục S&P 500 bị giảm tới hơn 8% so với mức đỉnh hồi đầu năm 2023.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt sau báo cáo, lại tiếp tục lập đỉnh mới trong năm. Lợi suất sau đó đã hạ nhiệt và đạt mức 4,795% vào cuối ngày.

Lợi suất tiếp tục ở vùng cao nhất trong 16 năm.

“Chúng tôi nhận thấy lợi suất giảm một chút so với mức khoảng 4,8%. Tôi nghĩ việc lợi suất thoái lui một chút đã giúp ích cho thị trường chứng khoán...Thị trường của chúng ta khá yếu trong những tuần gần đây và có tình trạng bị bán quá mức”,bà Megan Hornerman, Giám đốc đầu tư tại Verdence Capital Adivors nhận định.

Ông Dante DeAntonio, chuyên gia kinh tế - lao động tại Moody’s Analytics, cho hay: “Nhiều khả năng đã có đủ tin tốt từ tăng trưởng tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp để ngăn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất”.

“Mặc dù kỳ vọng của thị trường về những gì Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ thực hiện đã thay đổi một chút sau báo cáo sáng nay, nhưng vẫn có niềm tin lớn rằng lãi suất sẽ không thay đổi trong tháng 11”, ông nói thêm.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang đặt cược rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiếp theo với xác xuất lên tới 88,8%. Với cuộc họp tháng 12, tỷ lệ này đạt 56,5%.

 

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu mức tăng của S&P 500 vào phiên giao dịch cuối tuần. Cổ phiếu của công ty giải pháp năng lượng Monolithic Power Systems, công ty bán dẫn Advanced Micro Devices (AMD) và công ty an ninh mạng Palo Alto Networks đều tăng hơn 4%.

Cổ phiếu Ford tăng 0,84%, còn GM tăng 1,95% sau khi Nghiệp đoàn Công nhân ô tô Mỹ cho biết sẽ không có cuộc đình công mới trong tuần này do đàm phán đạt tiến triển.

Nhờ phiên giao dịch hôm qua, S&P 500 kết thúc tuần tăng 0,48%, phá vỡ chuỗi giảm điểm kéo dài 4 tuần. Nasdaq Composite cũng ghi nhận một tuần tích cực khi tăng 1,6%. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones đã giảm 0,3% trong tuần đầu tiên của tháng 10.