Chứng khoán Việt Nam đón nhận các yếu tố hỗ trợ tích cực
Cùng đó, lãi suất đang ổn định trên nền thấp; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu hạ lãi suất; khối ngoại giảm áp lực bán ròng.
Chờ chuyển biến kết quả kinh doanh quý II
Các chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, với các yếu tố trên, VN-Index sẽ hướng đến vùng giá 1.300 - 1.320 điểm, tuy nhiên chưa thể vượt lên cạnh trên đường xu hướng trung hạn mà sẽ cần chờ thêm các chuyển biến về kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp cũng như dữ liệu tăng trưởng GDP quý II.
Diễn biến này là phù hợp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới có dấu hiệu gia tăng hơn; áp lực lạm phát, tỷ giá trong nước chưa hạ nhiệt.
Thực tế, VN-Index đã có tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6/2024 khá tích cực. Kết thúc tuần giao dịch từ 3 - 7/6, VN-Index tăng 2,05% so với tuần trước đó, lên mức 1.287,58 điểm, trên vùng giá 1.282 - 1.287 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất phiên giảm điểm mạnh 15/4/2024 cũng như đỉnh giá tháng 8/2022; HNX-Index kết thúc tuần tăng 0,78% so với tuần trước đó, lên mức 244,99 điểm; VN30-Index tăng lên mức 1.308,03 điểm, vượt lên giá cao nhất tháng 3/2024.
VN-Index tuần qua duy trì vận động trong vùng 1.250 điểm - 1.300 điểm. Nhiều mã và nhóm mã vẫn luân phiên thu hút dòng tiền, lực cầu gia tăng tốt tập trung vào nhóm mã vốn hóa lớn trong rổ VN30 và vốn hóa nhỏ.
Nhà đầu tư nước ngoài tuần qua vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng mạnh với 1.561 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng trên HNX với giá trị 5,9 tỷ đồng. Tuy nhiên có thể thấy mức bán ròng này giảm rất nhiều (tuần trước, khối ngoại bán ròng kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt xấp xỉ 8.000 tỷ đồng)
Tuần này sự kiện đáng chú ý là việc Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) tiên phong trong các quốc gia G7 (liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) cắt giảm lãi suất từ 5% xuống 4,75%, lần đầu tiên sau 4 năm.
Tiếp nối sau đó vào ngày 6/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chính thức hạ lãi suất chủ chốt xuống 3,75%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019 và sau 6 lần giữ nguyên chính sách liên tiếp kể từ tháng 7/2023.
Cùng với đà giảm của giá vàng thế giới và giải pháp bán vàng thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng SJC trong nước tuần vừa qua đã giảm mạnh về 76,98 triệu đồng/lượng so với 87 triệu đồng cuối tuần trước (31/5), chênh lệch với giá thế giới cũng giảm mạnh.
Trong báo cáo phát hành vào ngày 7/6, Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhìn nhận, thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tăng giá kể từ đầu năm 2024 với mức tăng của VN-Index đạt gần 14%.
Cùng với sự đi lên của điểm số là sự tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn với một số nhóm ngành tiêu biểu như ngành thép tăng 451%, ngành bán lẻ tăng 367%, ngành chứng khoán tăng 103%.
Hiện nay, với việc mặt bằng định giá của VN-Index vẫn đang ở mức hợp lý, với P/E khoảng 14x lần và P/B 1,8x lần, thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng điểm với trọng tâm tập trung vào các nhóm ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong quý II/2024
Agriseco vẫn duy trì đánh giá một số nhóm ngành có thể tăng trưởng tích cực nhờ các yếu tố hoạt động thương mại xuất nhập khẩu phục hồi.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất khẩu đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trị giá nhập khẩu đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2%; trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 44 tỷ USD.
Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đều đang cho thấy tín hiệu khả quan và lượng đơn đặt hàng mới gia tăng.
Cùng đó là mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp giúp tiết giảm chi phí lãi vay. Mặt bằng lãi suất giai đoạn hiện tại đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua, thậm chí còn thấp hơn thời kỳ dịch COVID-19.
Với mặt bằng lãi suất thấp như vậy, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp cũng được tiết giảm, cụ thể theo ước tính của Agriseco chi phí lãi vay các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2024 đã giảm khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Quy mô nguồn vốn, tài sản gia tăng. Một trong những động lực quan trọng để tăng trưởng kết quả kinh doanh là tăng trưởng về nguồn lực tổng tài sản và vốn chủ sở hữu.
Tại thời điểm cuối quý I/2024, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua việc tăng quy mô, các doanh nghiệp có thể gia tăng công suất để chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Agriseco đưa ra nhận định, các nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng kết quả kinh doanh cao trong quý II/2024, xếp theo thứ tự kỳ vọng tăng trưởng từ cao xuống thấp như: Bán lẻ; thép; xuất khẩu; xây dựng; công nghệ thông tin – viễn thông và dầu khí.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhìn nhận, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường chứng khoán trong tháng 6 có thể kể tới như: Thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong tháng 6 và cả quý II/2024; biến động về giá trị mua/bán ròng của khối ngoại trong thời gian tới. Thực tế, khối ngoại chững lại đà bán là yếu tố tích cực với thị trường.
Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư còn phụ thuộc vào tình hình tỷ giá USD/VND và động thái của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lưu ý một vài rủi ro có thể ảnh hưởng đến kịch bản cơ sở như rủi ro xung đột căng thẳng địa chính trị. Căng thẳng leo thang tại Trung Đông và nguy cơ lan rộng các khu vực trên thế giới là mối đe dọa với sự ổn định trên toàn cầu, ảnh hưởng đến giá hàng hóa, chuỗi cung ứng...
Việc khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của chỉ số chung. Sự mạnh lên của đồng USD tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá và ảnh hưởng đến những chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Trở lại diễn biến tuần qua, có thể thấy, chứng khoán Việt Nam tăng điểm cũng nằm trong xu hướng chung với các thị trường thế giới.
Phố Wall ghi điểm trong tuần qua trước triển vọng Mỹ hạ lãi suất
Chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6 giảm nhẹ, sau khi số liệu việc làm mạnh hơn dự đoán của Mỹ thể hiện một nền kinh tế vững chắc, nhưng lại làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất lâu hơn so với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 87,18 điểm xuống 38.798,99 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,11% xuống 5.346,99 điểm, chỉ thấp hơn 0,1% so với mức đóng phiên cao kỷ lục 5.354,03 điểm vào ngày 5/6. Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 0,23% xuống 17.133,13 điểm.
Tính theo tuần, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,29%, chấm dứt chuỗi giảm điểm hai tuần liên tiếp. Chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng 1,32% theo tuần, trong khi Nasdaq tăng 2,38% trong tuần.