Chứng khoán Việt Nam lọt top 5 thị trường tăng mạnh nhất tuần qua với 4 phiên tăng liên tiếp
Với mức tăng 6,65%, VN-Index xếp thứ tư trong danh sách những thị trường diễn biến tích cực nhất, theo thống kê của StockQ.org.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua ghi nhận 1 phiên giảm và 4 phiên tăng liên tiếp, tích luỹ hơn 70 điểm.
Với mức tăng 6,65%, VN-Index xếp thứ tư trong danh sách những thị trường diễn biến tích cực nhất, theo thống kê của StockQ.org. Đứng trên Việt Nam là các chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Ấn Độ, Nga, Italia với mức tăng từ 6,73-9,61%.
Tuần giao dịch hứng khởi cũng giúp VN-Index trở lại nhóm 10 thị trường có mức tăng ấn tượng nhất trong vòng nửa năm với 34,51%. Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với tuần trước, khi 4 phiên giảm liên tiếp đã khiến VN-Index đứng đầu trong nhóm thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Người dân giao dịch chứng khoán tại một trụ sở trên đường Pasteur, quận 1, ngày 13/1/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trong hai phiên giao dịch cuối năm Canh Tý, VN-Index nhiều khả năng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 1.180-1.200 điểm. Dòng tiền vào thị trường tiếp tục giảm do nhà đầu tư hạn chế giao dịch để tránh những rủi ro có thể xảy ra trong giai đoạn nghỉ Tết.
Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Đông Á đưa ra quan điểm thận trọng hơn là VN-Index sẽ chỉ tiệm cận mốc 1.165 điểm. Dòng tiền sẽ phân hoá và có sự luân phiên giữa các nhóm trụ để kéo chỉ số, qua đó hình thành một chiều tăng chậm nhưng đồng đều khi tiến gần đến đỉnh đã thiết lập trước đó.
1.200 điểm vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh trong dài hạn khi chỉ số đã kiểm định vùng này đến ba lần và đều thất bại. Nếu tín hiệu phá vỡ ngưỡng này không xuất hiện, theo các chuyên gia, xu hướng tăng sẽ không được xác nhận và rủi ro có thể tăng dần trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị thận trọng quan sát trong hai phiên giao dịch cuối năm âm lịch. Với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp thì nên cơ cấu danh mục, chỉ nắm giữ những cổ phiếu có nền tảng cơ bản với tỷ trọng vừa phải để hạn chế yếu tố dịch bệnh COVID-19 tác động đến giá trị tài sản ròng.
Theo VnExpress