Chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ 'hấp dẫn' trong năm 2023
Những tháng cuối năm với diễn biến thất thường
Kể từ đầu tháng 9, VN-Index nối dài xu hướng giảm, tiếp tục lao dốc và ghi nhận mức thấp 952,1 điểm vào ngày 22/11. HNX-Index và UPCOM-Index cũng giảm lần lượt 58,9% và 39,3% kể từ đầu năm.
Theo giải trình từ nhiều doanh nghiệp, thị trường giảm nhiều phiên liên tiếp do diễn biến thị trường và tâm lý nhà đầu tư hơn là do sức khoẻ nội tại.
Theo báo cáo từ chứng khoán VNDirect ngày 2/12, có ba vấn đề chính gây khó khăn cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022: Lãi suất tăng; Thắt chặt tín dụng đối với các phân khúc cho vay rủi ro cao, bao gồm đầu tư bất động sản, chứng khoán và kênh huy động vốn dài hạn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp) gặp khó khăn do khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư sau sự cố Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
Thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài mạch phục hồi, tuần qua ghi nhận mức tăng VN-Index tiếp tục tăng tới 108,55 điểm lên 1.080,1 điểm. Niềm tin vào đà tăng thị trường của nhà đầu tư cũng được thể hiện rõ với việc thanh khoản cải thiện đáng kể. Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường cũng tăng vọt lên ngưỡng 20.400 tỷ đồng/phiên.
Tại ngày 2/12, VN-Index đang giao dịch ở mức 11,38 lần P/E trượt, thấp hơn 35% từ đỉnh 2022 và thấp hơn 27% so với trung bình định giá 5 năm (15,6 lần P/E).
Đà tăng trưởng vững chắc hơn trong 2023
9 tháng đầu năm, VNDirect thống kê lợi nhuận toàn thị trường tăng 21,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức như: xuất khẩu yếu, biên lợi nhuận giảm, gánh nặng chi phí lãi vay gia tăng và lỗ tỷ giá. Do đó, lãi ròng thị trường sẽ chậm lại đáng kể trong quý IV và dự kiến chỉ tăng 17% trong năm 2022.
Sang 2023, công ty chứng khoán này vẫn dự phóng lãi ròng toàn thị trường tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm. Trong đó ngành hàng không sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất nhờ sự phục hồi của các chuyến bay quốc tế. Ngành vật liệu xây dựng sẽ có mức tăng trưởng đáng kể khi giá nguyên liệu đầu vào giảm. Riêng ngành hoá chất và dầu khí có thể giảm lãi ròng do mức nền 2022 đang ở khá cao.
Trong năm 2023, VNDirect dự báo thị trường chứng khoán và cả nền kinh tế sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau. Những tháng đầu năm 2023, thị trường có thể tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.
Tuy nhiên, kể từ giữa 2023, đà tăng sẽ vững chãi hơn nhờ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm sau. Các ngân hàng trung ương kích hoạt đợt định giá lại tài sản mới. Bên cạnh đó, đội ngũ phân tích cũng đánh giá tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn nửa cuối năm 2023 nhờ việc lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên cùng với giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế, đây cũng là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống, đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.
Các chuyên gia từ VNDirect dự báo chỉ số VN-Index sẽ quay trở lại mức 1.300 – 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E (giá thị trường của cổ phiếu/Thu nhập trên một cổ phiếu) đạt 12 – 12,5 lần.
Cùng nhận định như VNDirect, tại tọa đàm Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới, diễn ra sáng 27/9 ở TPHCM, ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research - cho rằng, thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay có xu hướng điều chỉnh sau hai năm tăng nóng, và được dự báo kém khả quan trong ngắn hạn, nhưng vẫn có những cổ phiếu có thể tăng trưởng lợi nhuận trong năm sau. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu dài hạn từ 3 - 5 năm.
Trong báo cáo mới đây (3/12) của chứng khoán BSC, chuyên gia đánh giá trong năm 2022, lợi nhuận ngành và VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, từ đó phần nào giúp định giá thị trường tiếp tục duy trì ở mức hấp dẫn. Tuy nhiên, các nhóm ngành điều chỉnh tăng mạnh chủ yếu liên quan đến yếu tố chu kỳ. Trong bối cảnh giá hàng hóa đang có xu hướng điều chỉnh, việc tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong năm 2022 sẽ tạo mức nền cao cho năm 2023 và vô tình tạo áp lực cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm tới.
BSC nhận định: "Đây sẽ là cơ hội lớn cho mục tiêu đầu tư dài hạn 2023 - 2024 trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có thể chống chịu tốt trước sức ép tăng lãi suất của FED, lạm phát và tiếp tục duy trì tăng trưởng. So sánh với các nước trong khu vực PE dự phóng của Việt Nam (8,9 lần) vẫn ghi nhận mức hấp dẫn so với bình quân khu vực (12,6 lần)".