Đầu tư chứng khoán khó có lợi nhuận vượt trội khi lãi suất tăng
Các ngân hàng thương mại đang bước vào cuộc đua lãi suất huy động, thậm chí đã có những ngân hàng huy động trên 10%/năm trong một thời gian ngắn với các điều kiện kèm theo. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm trước, số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh, lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội trong những tháng còn lại của năm 2022.
Lãi suất tăng “phủ bóng” thị trường chứng khoán
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), từ đầu năm tới nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn với mức tăng 150- 200 điểm cơ bản. Tại những ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ, mức tăng lãi suất có thể lên đến 250 điểm đạt từ 8,5%-9% cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Các số liệu trên thị trường cũng đang cho thấy nhiều hơn những tín hiệu của cuộc chạy đua lãi suất huy động, đặc biệt tại các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ. Việc mặt bằng lãi suất tăng cao trong một thời gian rất ngắn tiềm ẩn những rủi ro và cần được theo dõi, đánh giá sát sao.
Nếu như cùng thời điểm này năm trước, số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì tới nay đã có ngân hàng huy động trên 10%/năm trong một thời gian ngắn với các điều kiện kèm theo, cùng đó, một nửa số ngân hàng trong hệ thống niêm yết lãi suất cao nhất trên 8%/năm.
Nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5%-8,7%/năm. Điển hình lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) là 8,9%, Ngân hàng TMCP Nam Á - NAM A BANK (8,5%), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng –VPBank (8,6%), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (8,5%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội - SHB (8,4%), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín -Sacombank (8,0%).
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) cũng có mức lãi suất cao tương tự.
Đáng chú ý, trong số các ngân hàng này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố bảng lãi suất huy động mới với mức cao kỷ lục 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18, 24, 36 tháng (áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến, nhận lãi cuối kỳ). Đây cũng là mức lãi suất cao nhất thị trường hiện tại.
Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 1% trong đợt này, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Kỳ hạn từ 6 tháng được niêm yết 6%, còn kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm.
Tiền gửi tiết kiệm vốn đã là kênh đầu tư truyền thống được người dân ưa thích cho khoản tiền nhàn rỗi, thì nay lại càng hấp dẫn hơn khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trong khi các kênh đầu tư khác tiềm ẩn rủi ro.
Việc lãi suất đầu vào tăng nhanh lên mức cao là thông tin kém tích cực đối với nền kinh tế và đây cũng là điều các nhà đầu tư cần suy xét và tính đến.
Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), lãi suất điều hành tăng sẽ tác động tới các chủ thể trong nền kinh tế như ngành ngân hàng, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và ngay cả tới các hộ gia đình.
Với ngành ngân hàng, trần lãi suất huy động tăng có thể khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng thương mại gia tăng từ đó khiến lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Nhưng để đảm bảo mục tiêu “tăng lãi suất huy động, ổn định lãi suất cho vay” mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra, nhiều ngân hàng thương mại có khả năng sẽ phải giảm biên lãi ròng (NIM). Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của ngành ngân hàng, TPS nhận định.
Còn với thị trường chứng khoán, mặt bằng lãi suất tăng lên sẽ khiến lợi nhuận các doanh nghiệp có khả năng suy giảm và làm giảm định giá cổ phiếu do chi phí sử dụng vốn tăng lên. Vì vậy, lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội trong năm 2022.
Theo dữ liệu lịch sử, khi lãi suất tăng giá cổ phiếu thường có diễn biến tăng ở nhóm cổ phiếu tài chính, bảo hiểm và các ngành có tính phòng thủ nhưng giảm ở phần lớn các nhóm ngành còn lại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ là chủ thể bị tác động mạnh nhất do họ phải đối mặt với khó khăn ở cả hai khu vực sản xuất và thị trường. Về sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, hoặc tăng chi phí vốn. Điều này sẽ dẫn đến tác động chi phí đẩy, làm giá bán của sản phẩm tăng lên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thường vay tiền từ ngân hàng thương mại để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi lãi suất đi vay tăng, doanh nghiệp có thể trì hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận.
Trở lại diễn biến thị trường tuần qua, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thanh khoản ở phần lớn cổ phiếu vẫn duy trì ở mức thấp. Điều này thể hiện tâm lý vẫn còn thận trọng trong chiều tăng của các nhà đầu tư. Do đó, thị trường có khả năng sẽ duy trì được đà tăng, tuy nhiên cần quan sát rủi ro rung lắc tại vùng 990-1.000 điểm của VN-Index trong vài phiên kế tiếp.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, do VN-Index vẫn đang trong kênh downtrend (giai đoạn giá chứng khoán có xu hướng giảm, thường là vài tháng) nên giai đoạn hiện tại vẫn có thể xuất hiện những biến động mạnh (rơi sâu và có những đợt hồi phục mạnh) trước khi giao dịch chặt chẽ lại và bước vào giai đoạn tăng giá mới.
“Do đó, nhà đầu tư cũng không nên tham gia vào thị trường với tỷ trọng lớn trong giai đoạn này và tránh mua đuổi theo hưng phấn trong các phiên tăng”, SHS khuyến nghị.
SHS cũng cho rằng, đối với danh mục dài hạn, nhà đầu tư nên kiên nhẫn tiếp tục nắm giữ bởi thị trường đã bắt đầu phát ra những tín hiệu hồi phục tích cực. Nếu mua mới cổ phiếu nên lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng hoặc các cổ phiếu đầu ngành và đang có xu hướng hồi phục mạnh mẽ hơn thị trường chung.
Về diễn biến cụ thể, chốt tuần từ 21 - 25/11, VN-Index tăng 2,1 điểm lên 971,46 điểm, HNX-Index tăng 5,9 điểm lên 196,77 điểm.
Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 12,5% so với tuần trước đó xuống 51.360 tỷ đồng tương ứng khối lượng giao dịch giảm 16% xuống 3.208 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 14,9% so với tuần trước đó xuống 3.944 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 21,2% xuống 342 triệu cổ phiếu. Theo SHS, thị trường chỉ hồi phục nhẹ trong tuần qua khiến cho các nhóm ngành có sự tăng giảm xen kẽ nhau.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất trong tuần qua với mức tăng 9,4% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu cho việc này đến từ việc hầu hết các cổ phiếu trong ngành đều hồi phục mạnh với các đại diện như PLX tăng 12,6%, OIL tăng 7,1%, BSR tăng 6,8%, PVD tăng 4,2%...
Nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng mạnh thứ hai với 3,8% giá trị vốn hóa. Cụ thể, cổ phiếu xây dựng như HBC tăng 2,7%, CTD tăng 7,4%, CTR tăng 10,8%, SJG tăng 12,2%, HUT tăng 14,7%, DPG tăng 20,1%... Cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng và nội thất cũng hồi phục tốt với các mã như VCS tăng 8,6%, VGC tăng 6,2%, NTP tăng 5,9%, HT1 tăng 3,8%... Các nhóm còn lại tăng nhẹ như nguyên vật liệu tăng 2,8%, hàng tiêu dùng tăng 2,6%.
Ở chiều ngược lại, nhóm dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh nhất thị trường khi mất 4,6% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm này là DGW giảm 15,8%, PVS giảm 13,2%, MWG giảm 10,3%, FRT giảm 9,5%...
Các ngành có mức giảm nhẹ hơn là dược phẩm và y tế giảm 0,5%, tài chính giảm 1,5%, tiện ích cộng đồng giảm 4,2%.
Khối ngoại có tuần mua ròng thứ ba liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 1.768,7 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, FUEVFVND là chứng chỉ quỹ được mua ròng nhiều nhất với 12,2 triệu chứng chỉ quỹ. Tiếp theo là HPG và POW với lần lượt 11,7 triệu cổ phiếu và 9,6 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, NVL là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 8,7 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua không đồng pha với các thị trường chứng khoán trên thế giới.
Chứng khoán Mỹ đi lên trong tuần giao dịch ngắn ngày do nghỉ lễ Tạ ơn, dù cho ba chỉ số chính biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần.
Cả 3 chỉ số chính đều ghi điểm trong tuần qua. Dow Jones tăng 1,78% và S&P 500 tăng 1,53%. Nasdaq Composite tăng thấp hơn một chút so với 2 chỉ số còn lại, nhưng vẫn thêm được 0,72% trong tuần qua.
Carson Group cho biết, diễn biến của chỉ số S&P 500 từ đầu tính đến Lễ Tạ ơn là tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Tính từ đầu năm nay, chỉ số này đã giảm 15,5% khi thị trường đóng cửa vào ngày 24/11 vừa qua.
Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến ngược chiều nhau trong phiên 25/11 trong bối cảnh hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất bị lấn át bởi lo ngại về các biện pháp phong tỏa COVID-19 mới ở Trung Quốc.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 28.283,03 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,5% xuống 17.573,58 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,4% lên 3.101,69 điểm.
Chứng khoán Singapore, Seoul, Mumbai, Bangkok và Jakarta đều giảm, trong khi đó chứng khoán Sydney, Wellington và Manila tăng.