Chuyển đổi số doanh nghiệp phải bắt nguồn từ sự chuyển đổi nhận thức của người lãnh đạo

Trang Mai 15:54 | 04/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB) đóng vai trò không nhỏ trong quy mô xuất nhập khẩu cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Thế nhưng, năng lực cạnh tranh còn tồn tại một số hạn chế, tiêu biểu như: trình độ công nghệ và khoa học kỹ thuật thấp, năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D) yếu kém, tài chính hạn chế,... dẫn tới việc khó cạnh tranh trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế

Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu” vào sáng 2/12 tại Hà Nội, bà Kim Võ - Trợ lý Kinh tế, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ là xương sống của nền kinh tế mà còn là động lực của sự phát triển thịnh vượng trong tương lai. 

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2021, trong tổng số 800.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong nước, có tới 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khối doanh nghiệp này chiếm 97% đóng góp GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Họ đại diện cho nông dân, các nhà máy nhỏ, công ty lữ hành,... Các doanh nghiệp SMB là chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đó cũng chính là lý do các doanh nghiệp SMB cần phải sẵn sàng hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Thế nhưng họ cần sự hỗ trợ để phát triển kỹ năng, nguồn lực nhằm nâng cao cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế”. 

Những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định rằng, chuyển đổi số là biện pháp quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp SMB. Thế nhưng, con đường số hoá còn gặp rất nhiều chông gai, đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiên trì và có con đường đi rõ ràng, khoa học. 

 Các chuyên gia phân tích những khó khăn của các doanh nghiệp SMB trong hội nhập kinh tế toàn cầu. Ảnh: Trang Mai

Chia sẻ với phóng viên, bà Dương Kim Oanh - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Visa cho biết: “Để 1 doanh nghiệp SMB gia nhập vào nền kinh tế số còn khá nhiều khó khăn. Thứ nhất là kỹ năng của chủ doanh nghiệp, nhân viên. Thứ hai là vấn đề tài chính. Thứ ba là công cụ, cách vận hành doanh nghiệp”. 

Để doanh nghiệp SMB tháo gỡ những khó khăn, tham gia vào nền kinh tế số, bà Oanh đề xuất các doanh nghiệp cần có tâm thế chủ động hơn trong việc nắm bắt những quy định, chương trình hỗ trợ hay các thể chế, chính sách, từ đó xây dựng kế hoạch kinh doanh, điều chỉnh đường hướng phát triển phù hợp. Thứ hai, tìm hiểu các xu hướng công nghệ trên thế giới và Việt Nam, tìm đến các giải pháp phù hợp cho mình. Thứ ba, SMB cần có những kinh nghiệm, kiến thức bằng cách tích cực tham gia đối thoại, tổ chức. Từ đó có thể gặp các doanh nghiệp cùng ngành, hay đối tác tiềm năng. 

Trong khi đó, ông Lưu Tuấn Nghĩa - Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Bán hàng Visa nhận định, để một doanh nghiệp SMB phát triển theo xu thế mới, các lãnh đạo phải là những người đi đầu trong việc chuyển đổi nhận thức. Bởi công nghệ hiện nay rất nhiều, nhưng nếu người lãnh đạo không thấy sự cần thiết, không thấy những cơ hội và thách thức thì chắc chắn doanh nghiệp đó không thể chuyển đổi số được. 

Trước đó, tại hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” vào tháng 7/2022, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang rất lúng túng với chuyển đổi số cũng như tiếp cận tín dụng. Cụ thể, về vấn đề chuyển đổi số có 4 thách thức doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay.

Thứ nhất, chi phí đầu tư cần thiết cho chuyển đổi số cao. Thứ hai, hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp còn hạn chế, trong khi đó xu hướng công nghệ cập nhật, đổi mới liên tục, tâm lý ngại đổi mới của doanh nghiệp. Thứ ba, quy trình tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, quản lý chuỗi cung ứng chưa chuẩn hoá, thiếu chiến lược và nhân sự xây dựng quy trình vận hành chuẩn. Thứ tư, nguồn nhân lực chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu tiếp cận kiến thức, thông tin về chuyển đổi số cũng như linh hoạt trong điều chỉnh văn hoá tổ chức, nhận thức về chuyển đổi số.

Đặc biệt, tại Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, các doanh nghiệp cũng lo ngại về rò rỉ dữ liệu cá nhân trong quá trình chuyển đổi số.

Cùng với đó là sự thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động, khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số…

Đối với tiếp cận tài chính, bà Thuỷ đánh giá, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống còn thấp, khoảng 25%, còn lại 75% là tiếp cận từ các nguồn khác như từ bạn bè, gia đình và các nguồn vay ngoài ngân hàng.

Để góp phần gỡ bỏ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp SMB, vào tháng 5 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo Thông tư, nội dung hỗ trợ gồm: Tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV.

Theo đó, các DNNVV sẽ được hỗ trợ về vốn, khởi nghiệp sáng tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo,...