Chuyển đổi số tại Việt Nam còn diễn ra tương đối chậm

10:50 | 15/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự dịch chuyển quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra tương đối chậm, hầu hết các cơ quan, tổ chức đều chưa biết nên bắt đầu từ đâu, mặc dù về mặt công nghệ nước ta tương đương với các nước trên thế giới.
Đó là nhận định của ông ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc FSI tại Diễn đàn cấp cao CNTT - TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2020) ngày 14/12 tại Hà Nội.
 
Theo khảo sát của Bộ Công Thương và UNDP thực hiện với 2.659 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với Cách mạng CN lần thứ 4 có tới 82% các doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu "nhập cuộc.
 
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa biết chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa biết chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu
 
Khảo sát nhanh được VINASA thực hiện với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia DX Day Vietnam 2020 cho thấy, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; chi phí, thời gian, nguồn lực; và cách thức chuyển đổi số như thế nào phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.
 
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng chuyển đổi số là sự dịch chuyển chưa có tiền lệ, nên việc chia sẻ và kết nối đóng vai trò quan trọng.
 
"Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người". Ông Dũng khẳng định.
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng
 
Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), cho biết tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang mới ở những bước khởi đầu và còn nhiều băn khoăn, như: Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, như thế nào, cần chuẩn bị gì...
 
"Để trả lời được những câu hỏi này, cách duy nhất là phải hành động, phải kết nối cùng nhau, chia sẻ cùng nhau, khai thác tối đa sức mạnh của những tiến bộ công nghệ để tạo gia những giá trị mới cho xã hội, cho đất nước", ông Bình nhấn mạnh. "Chuyển đổi số đã trở thành chủ đề nóng nhất trong chương trình hành động của tất cả mọi người, là hy vọng để Việt Nam bước khỏi bẫy thu nhập trung bình, bước vào thế giới của các quốc gia phát triển. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà chúng ta cần kết nối, chia sẻ cùng nhau để hành động".
 
Còn theo Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, COVID-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng đây lại là bước ngoặt thúc đẩy doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
 
"COVID-19 đã tạo ra một bước ngoặt cho chuyển đổi số. Rất nhiều thói quen thông thường đã bị thay đổi, và chuyển đổi số đã trở thành gần như bắt buộc với nhiều cơ quan, tổ chức", ông Nguyễn Trọng Đường chia sẻ.
 
Ông Đường cho rằng nhiều việc chúng ta làm 10, 15 năm chưa triển khai được, thì chỉ vài ba tháng cách ly vì Covid-19 đã thành công, chẳng hạn như họp, học trực tuyến.
 
Lấy ví dụ về một đối tác kinh doanh bất động sản, ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT cho biết chính bối cảnh phải chuyển đổi số khiến doanh nghiệp tìm ra hướng kinh doanh mới, với gần 5.000 giao dịch tính đến tháng 8.
 
Với chính FPT Telecom, một công ty con của tập đoàn, việc tối ưu hóa nguồn nhân lực với trí tuệ nhân tạo giúp công ty này tiết kiệm 65 tỷ chi phí vận hành sau 1 năm, tăng 27,6% năng suất lao động của 6.500 nhân viên kỹ thuật.
 
Hải An