Chuyển đổi số, tăng hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia
Mục đích của hội nghị nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, các nghiên cứu lý thuyết, xu hướng công nghệ, với sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật trong và ngoài ngành điện, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực điện lực.
Trong chương trình của ội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, nghe trình bày về các nội dung: Nguồn điện; truyền tải điện; phân phối điện; kinh doanh và sử dụng điện.
Tại hội nghị, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành về chuyển đổi số, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã sớm tiếp cận và triển khai các kế hoạch, giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của các công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Tập đoàn đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng và phê duyệt Đề án Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam với mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Tập đoàn cũng đã đề ra Chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” để quyết tâm chỉ đạo và thực hiện thành công Đề án.
Trong việc sửa chữa bảo dưỡng khai thác hiệu quả thiết bị, Tập đoàn đã triển khai áp dụng sửa chữa theo phương pháp tiến tiến như bảo dưỡng theo độ tin cậy (RCM) đối với các nhà máy và bảo dưỡng theo điều kiện (CBM) đối với lưới điện. Đặc biệt, đã thử nghiệm thành công giải pháp áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích hình ảnh, nhằm nâng cao độ chính xác của hệ thống phục vụ công tác giám sát vận hành, phát hiện tình trạng bất thường của các đường dây truyền tải.
Đến nay 100% Trạm biến áp 110kV là trạm không người trực và đã được điều khiển xa từ các Trung tâm điều khiển tại 63 tỉnh, thành phố và 88% Trạm biến áp 220kV đã được điều khiển từ xa (tăng 18 trạm so với năm 2021).
Cũng theo ông Thành, đã có 99,67% các yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận qua các kênh tổng đài và các kênh trực tuyến; 97,90% các giao dịch được thực hiện theo phương thức điện tử; tỷ lệ tiền điện được thanh toán theo các phương thức không sử dụng tiền mặt đạt 97,32%; tỷ lệ khách hàng thanh toán không sử dụng tiền mặt là 90,72%.
“Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong các đơn vị đi đầu và hoàn thành đầu tiên việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cho 2 dịch vụ điện/25 dịch vụ công thiết yếu của các bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án 06”, ông Thành chia sẻ.
Còn đại diện Hội Điện lực Việt Nam cho biết, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực là một xu hướng, yêu cầu tất yếu, phù hợp với chủ trương của Chính phủ thông qua Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ xác định: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả.
Kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng”.
Xoay quanh chủ đề hội nghị, tiến sỹ Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới Hội Điện lực tập trung hơn nữa vào các nhiệm vụ số hóa các hoạt động điện lực trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường phổ biến kiến thức... là những vấn đề rất cấp thiết, mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay đang cần thiết cho ngành điện./.