Chuyên gia cảnh báo Nga có thể vỡ nợ trong vài tuần tới
Ông Gabriel Sterne, người đứng đầu bộ phận dịch vụ chiến lược toàn cầu và nghiên cứu vĩ mô thị trường mới nổi (EM) tại Oxford Economics, nói: "Thị trường đang tính toán đến một vụ vỡ nợ thảm họa, không thể tái cấu trúc nền kinh tế trong tương lai gần" .
"Người mua [trái phiếu] duy nhất sẽ là người dân Nga, những người có thể chấp nhận việc trả lãi bằng đồng rúp. Đáng tiếc, nếu tồn tại những người mua như vậy, họ có thể kiếm rất tốt ở mức giá này", ông nói.
Ông Sterne nói tiếp: "[Vỡ nợ] là sự sỉ nhục về mặt tài chính đối với Nga. Mặc dù nguyên nhân vỡ nợ là do không ai muốn hoặc có khả năng giữ trái phiếu chính phủ, khả năng vay nợ của chính phủ hoặc các công ty Nga sẽ ngày càng gần con số 0"
Theo Bloomberg, Chính phủ Nga đã vay khoảng 49 tỷ USD trái phiếu bằng đồng USD và EUR. Các khoản thanh toán lãi suất cho một số trái chủ sẽ đáo hạn trong những tháng tới.
Ông George Catrambone, người đứng đầu mảng giao dịch châu Mỹ của Tập đoàn DWS, nói: "Rủi ro vỡ nợ là có thật". Theo ông, thị trường trái phiếu Nga đang bị đóng băng và có tương đối ít người mua tiềm năng.
Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu Nga thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài bằng đồng rúp. Hiện đồng rúp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ra sao?
Nhà kinh tế Stephen Roach, một thành viên cấp cao tại Đại học Yale, nói với CNBC rằng tác động của việc Nga vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài cũng sẽ có tác động đến đồng minh quan trọng của họ.
"Trung Quốc không thể đủ khả năng để duy trì liên kết chặt chẽ với Nga" nếu Nga vỡ nợ, ông Roach nói.
Những cảnh báo về tác động kinh tế của cuộc chiến ở Ukraine ngày càng lớn hơn.
Bốn ngày sau khi xung đột bắt đầu, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết Nga có khả năng vỡ nợ nước ngoài và nền kinh tế của nước này sẽ suy thoái ở mức hai con số. JPMorgan dự báo nền kinh tế Nga sẽ lao dốc 35% trong quý II. Với cả năm 2022, Nga có thể sẽ tăng trưởng âm 7%.
Các cơ quan xếp hạng Fitch, Moody's và S&P đã hạ xếp hạng nợ nước ngoài của nước này xuống mức "rác", cho rằng các lệnh trừng phạt có thể làm suy yếu khả năng trả nợ của Nga.
Trong khi đó, có nhiều lo ngại về tác động rộng lớn hơn của cuộc chiến đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu, khí đốt và hàng hóa. Ngày 7/3, giá dầu Brent đã được đẩy lên khoảng 140 USD/thùng.
Doanh nhân kiêm nhà đầu tư Neil Debenham nói: “Mối lo ngại hiện nay là, nếu giá năng lượng tiếp tục leo thang, nền kinh tế toàn cầu có thể bị đẩy vào cuộc suy thoái lần thứ hai trong vòng 3 năm”.
"Cũng sẽ có những áp lực đáng kể đối với các doanh nghiệp dựa vào chuỗi cung ứng với Nga - đặc biệt là nguyên liệu thô như paladi”.
Ông nói thêm: “Khi chiến sự leo thang, dư chấn đối với các doanh nghiệp trên toàn thế giới sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.