Tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga giảm tới 45,2%

TTXVN/Vietnam+ 09:33 | 11/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nga đã rơi từ vị trí 12 xuống vị trí 14 trong bảng xếp hạng các nhà cung cấp nguyên liệu và hàng hóa quan trọng nhất cho Đức.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine đã khiến quan hệ thương mại giữa Đức và Nga suy giảm đáng kể.

Số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho thấy trong năm 2022, tổng giá trị hàng hóa của Đức xuất khẩu sang Nga chỉ đạt 14,6 tỷ euro (tương đương 15,6 tỷ USD), giảm 45,2% so với năm 2021. Trong bảng xếp hạng các thị trường bán hàng quan trọng nhất của hàng hóa Đức, Nga đã rơi từ vị trí 15 xuống vị trí 23 so với năm 2021.

 Người dân mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ở chiều ngược lại, mặc dù tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Nga vẫn tăng 6,5% lên 35,3 tỷ euro, nhưng khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ Nga đã giảm 41,5%. Việc khối lượng nhập khẩu giảm mạnh nhưng giá trị vẫn tăng chủ yếu là do giá năng lượng nhập khẩu (như dầu mỏ, khí đốt) tăng mạnh từ sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Theo Destatis, Nga đã rơi từ vị trí 12 xuống vị trí 14 trong bảng xếp hạng các nhà cung cấp nguyên liệu và hàng hóa quan trọng nhất cho Đức. Việc thiếu hụt nguồn cung năng lượng từ Nga đã được bù đắp một phần nhờ nguồn cung từ các nước Đông Âu khác, đặc biệt là Kazakhstan. Do giá năng lượng nhập khẩu luôn ở mức cao và giá trị hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh, cán cân thương mại Đức-Nga ghi nhận thâm hụt lớn nhất kể từ năm 1992, với giá trị thâm hụt 20,7 tỷ euro.

Trước đó, năm 2021 giá trị thâm hụt thương mại của Đức so với Nga chỉ là 6,5 tỷ euro. Destatis cho biết mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Đức sang Nga là dược phẩm, do lĩnh vực y tế được miễn trừ các lệnh trừng phạt. Trong năm ngoái, giá trị xuất khẩu dược phẩm của Đức sang Nga tăng 17,6% lên mức 3,1 tỷ euro.

Ngược lại, xuất khẩu máy móc, thiết bị giảm mạnh nhất, hơn 50%, xuống còn 2,8 tỷ euro; tiếp đó là các sản phẩm hóa chất, giảm 43,3% xuống còn 1,7 tỷ euro. Ông Michael Harms, lãnh đạo Hiệp hội Kinh tế Đông Âu của Đức, cho rằng không có xu hướng đảo ngược nhanh chóng trong quan hệ thương mại Đức-Nga hiện tại.

Triển vọng thương mại với Nga vẫn ảm đạm. Xung đột và các lệnh trừng phạt, sự suy thoái và suy giảm sức mua ở Nga cũng như việc các doanh nghiệp Đức liên tục rút khỏi thị trường Nga khiến quan hệ thương mại song phương "thụt lùi hàng thập kỷ." Ông Harms cũng dự báo giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Nga sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm nay, thâm hụt thương mại dự báo sẽ giảm vì hầu như Đức không còn nhập khẩu năng lượng từ Nga.