Chuyên gia: Đâu là đường đi chiến lược để Việt Nam vượt qua rào cản thuế quan với Mỹ?
Chính sách thuế quan mới của Mỹ tác động thế nào đến Việt Nam?
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một khuôn khổ thuế quan quy mô lớn trong bản tuyên bố mà Nhà Trắng gọi là “Ngày Giải phóng”. Theo đó, từ ngày 5/4, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu 10% lên hầu hết các quốc gia, sau đó sẽ tăng có chọn lọc lên đến 30-40% từ ngày 9/4. Riêng với hàng hóa từ Việt Nam, mức thuế có thể lên tới 46%.

Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam - Ảnh RMIT
Đây được xem là bước đi bảo hộ mạnh mẽ nhất trong chính sách thương mại của Mỹ trong nhiều năm qua và Việt Nam hiện đang nằm ngay “tầm ngắm”.
Tác động trực tiếp đến Việt Nam là rất rõ nét. Các ngành xuất khẩu chủ lực, bao gồm dệt may, điện tử, da giày, thủy sản và đồ gỗ, đều phụ thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ. Gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng đến người tiêu dùng Mỹ. Việc áp thuế ở mức từ 10% đến 40% có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh về giá, dẫn đến nguy cơ bị hủy đơn hàng và buộc doanh nghiệp hoặc phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận hoặc phải chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực khác.
Việt Nam đang ở tuyến đầu của một trong những đợt chuyển hướng chính sách thương mại mang tính bảo hộ mạnh mẽ nhất của Mỹ trong nhiều năm qua.
Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT Việt Nam
Tuy nhiên, hệ quả không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Sáng nay, hàng xóm của tôi là giám đốc điều hành một công ty sản xuất sợi không xuất khẩu sang Mỹ, đã chia sẻ rằng: “Chúng tôi không vận chuyển hàng hóa sang Mỹ, nhưng loại thuế này đang bóp nghẹt cả ngành”.
Lo lắng đó phản ánh mối quan ngại trên khắp cộng đồng doanh nghiệp. Thuế quan nhắm vào hàng Việt Nam xuất đi Mỹ có thể gây gián đoạn trên toàn bộ chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí đầu vào và làm giảm nhu cầu trên nhiều lĩnh vực trong nước.
Những hiệu ứng kép này đã dẫn tới phản ứng mạnh từ thị trường tài chính. Sáng ngày công bố chính sách, chỉ số VN-Index vào lúc 10:50 sáng giảm gần 80 điểm, tương đương khoảng 6%, cho thấy tâm chấn không dừng lại ở các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn lan tới tâm lý nhà đầu tư và niềm tin kinh doanh trên toàn thị trường.
Tác động gián tiếp cũng không kém phần lo ngại, bao gồm:
Gián đoạn chuỗi cung ứng, khi người mua từ phía Mỹ cắt giảm đơn hàng hoặc yêu cầu đàm phán lại mức giá;
Sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt từ các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu;
Ảnh hưởng dây chuyền tới các lĩnh vực trong nước như logistics, tài chính, đóng gói và tuân thủ quy chuẩn; và
Biến động tỉ giá, bắt nguồn từ tâm lý thị trường bất ổn và áp lực vĩ mô gia tăng.
Khi những thách thức này vẫn tiếp diễn, Việt Nam đang đối mặt với một bước ngoặc quan trọng, đòi hỏi sự phản ứng chiến lược và phối hợp để bảo vệ nền kinh tế và duy trì vị thế trong thương mại toàn cầu.
Phản ứng chiến lược: Việt Nam cần làm gì ngay lúc này?
Trước những tác động leo thang của các biện pháp thuế quan của Mỹ, Việt Nam hiện đang bước đi trên một sợi chỉ mỏng manh. Thặng dư thương mại kỷ lục 123,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024 đã khiến Việt Nam trở thành mục tiêu hàng đầu của các mức thuế đối ứng. Dù được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, chính thành công này cũng khiến Việt Nam rơi vào tầm ngắm của Mỹ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất tại Việt Nam đang chuẩn bị ứng phó với tác động leo thang của thuế quan từ Mỹ, đẩy mạnh kêu gọi cấp thiết về một phản ứng mang tính chiến lược. Ảnh minh họa - Pexels.
Quan trọng hơn, các quyết định thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ dựa trên tính toán kinh tế, mà còn mang đậm thông điệp chính trị nhằm thể hiện sức mạnh của vị tổng thống này với cử tri trong nước. Vì vậy, phản ứng của Việt Nam cần phải mang tính chiến thuật và chiến lược, bao gồm các nỗ lực ngoại giao tức thời, tái cơ cấu trung hạn và cải cách thể chế trong dài hạn.
1. Hành động ngắn hạn: Kịp thời và phối hợp
Để giảm thiểu tác động tức thì, cả Chính phủ và doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng và đồng bộ. Trong những ngày và tuần tới, cần ưu tiên các bước sau:
Nỗ lực ngoại giao tức thời: Sáng ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các bộ, ngành chủ chốt nhằm ứng phó với quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam của Mỹ. Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác phản ứng nhanh và yêu cầu các bộ liên quan phối hợp chặt chẽ, đồng thời thu thập ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Trong các cuộc làm việc sắp tới do Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, cũng như trong các phiên họp liên ngành sau đó, Việt Nam cần nhấn mạnh vai trò kinh tế chiến lược của mình đối với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động theo từng ngành để ngăn chặn những hệ lụy lan rộng.
Kế hoạch ứng phó của doanh nghiệp: Doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng kế hoạch dự phòng ngắn hạn cho nhiều kịch bản thuế quan khác nhau - 10%, 20%, 30% và cao hơn. Các kế hoạch này nên bao gồm điều chỉnh giá bán, tái cơ cấu chi phí, đàm phán lại điều khoản giao hàng và đánh giá tác động với các hợp đồng đã ký trước thời điểm áp thuế.
Định hình thông điệp truyền thông: Việt Nam nên tích cực truyền thông rằng thặng dư thương mại với Mỹ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ nước này đang hoạt động tại Việt Nam, với lợi nhuận đáng kể quay trở lại các công ty mẹ ở Mỹ. Việc truyền thông lại câu chuyện này là điều quan trọng giúp giảm bớt ấn tượng về sự không công bằng dẫn đến các chính sách bảo hộ.
2. Hành động trung hạn: Tăng tính linh hoạt cho cấu trúc
Một khi các rủi ro trước mắt được kiểm soát, cần chuyển hướng chú ý sang giảm thiểu các phụ thuộc mang tính cấu trúc và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Trong trung hạn, một số giải pháp then chốt cần được ưu tiên gồm:
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Việt Nam nên tăng cường quan hệ thương mại với các nước thuộc các hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP để khai thác những thị trường tiêu dùng lớn với điều kiện thương mại ưu đãi. Các quốc gia như Nhật Bản, Canada và Liên minh châu Âu (EU) là những lựa chọn thay thế giàu tiềm năng.
Điều chỉnh chuỗi sản xuất: Điều quan trọng là tăng các khâu có giá trị gia tăng trong nước và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc, thường bị soi xét trong khâu kiểm tra xuất xứ từ hải quan Mỹ. Nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc và đầu tư vào công nghệ tuân thủ sẽ hỗ trợ cho nỗ lực này.
Tìm hiểu thêm về sản xuất xuyên biên giới: Lắp ráp hoặc đóng gói một phần tại các quốc gia “thân thiện với Mỹ” như Mexico, nơi được hưởng ưu đãi theo USMCA, có thể bị áp thuế trực tiếp mà vẫn giữ được khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.
3. Khả năng chống chịu dài hạn: Chính sách và thể chế
Cuối cùng, cần cải cách thể chế để tăng khả năng chống chịu lâu dài nhằm đảm bảo rằng Việt Nam được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những căng thẳng thương mại trong tương lai. Hai lĩnh vực nên được ưu tiên gồm có:
Siết chặt kiểm soát xuất xứ và minh bạch: Việt Nam phải thực thi nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ để ngăn chặn việc hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm với giới chức thương mại Mỹ, và nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam có thể phải đối mặt với các hình phạt bổ sung.
Thành lập đơn vị theo dõi rủi ro thương mại thường trực: Cần thiết lập một tổ chức liên ngành có sự phối hợp giữa khu vực công và tư để theo dõi diễn biến thương mại toàn cầu, xây dựng mô hình đánh giá tác động kinh tế và đưa ra phản ứng chính sách kịp thời.
Việc tích hợp những cơ chế thể chế này sẽ giúp Việt Nam chuyển từ phản ứng thụ động sang quản trị chủ động và dài hạn. Điều này không chỉ giúp Việt Nam vượt qua “cơn bão” hiện tại mà còn tăng cường vai trò trong hệ thống thương mại toàn cầu.
Hiểu cú sốc và ứng phó bằng chiến lược
Để đưa ra phản ứng hiệu quả, điều cốt yếu là Việt Nam cần nhìn nhận vấn đề này qua lăng kính chiến lược. Cách tiếp cận điển hình của Tổng thống Trump là bắt đầu bằng cú sốc, công bố các mức thuế cao, như 30%, 40% hay thậm chí 60%, rồi dùng chính các mối đe dọa đó như công cụ đàm phán để đạt được những thỏa thuận có lợi hơn. Mục tiêu thực sự thường là khiến mức thuế cơ sở 10% có vẻ “vừa phải” và dễ chấp nhận hơn khi so sánh với các mức thuế tạo sốc.

Chiến lược thuế quan mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump thể hiện chiến lược tạo cú sốc có chủ ý để đàm phán, đòi hỏi Việt Nam phải hành động sớm và quyết đoán. Ảnh minh họa - Pexels.
Việc nhận diện rõ chiến thuật này là điều hết sức quan trọng. Thay vì phản ứng hoảng loạn, Việt Nam phải đáp trả bằng chiến lược sáng suốt và phối hợp. Việc chậm trễ hoặc do dự có thể bị diễn giải là bị động, làm suy yếu vị thế đàm phán. Thay vào đó, Việt Nam nên hành động sớm, quyết đoán và mang tính xây dựng bằng cách tập trung vào các biện pháp miễn trừ hoặc giảm mức áp thuế thông qua ngoại giao có mục tiêu và nhượng bộ thương mại cùng có lợi.
Thời điểm này không chỉ là một phép thử về năng lực chống chịu, mà còn có thể trở thành bước ngoặt chiến lược. Việt Nam đang bước vào một trong những môi trường thương mại toàn cầu phức tạp nhất trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, với cách tiếp cận phù hợp, chính cú sốc hiện tại có thể trở thành chất xúc tác cho sự chuyển mình dài hạn.
Vì vậy, lộ trình chiến lược trong giai đoạn tới cần bao gồm:
Hoạt động ngoại giao chính phủ ở cấp cao nhất
Năng lực thích ứng và kế hoạch quản trị rủi ro của khu vực tư nhân
Truyền thông tới cả công chúng Mỹ và trong nước
Cải cách dài hạn nhằm nâng cao tính minh bạch và năng lực thể chế trong thương mại
Nếu các yếu tố này được thực hiện đồng bộ và quyết liệt, Việt Nam không chỉ có thể vượt qua “cơn bão” trước mắt mà còn có thể vươn lên mạnh mẽ hơn, với vị thế cạnh tranh cao hơn và một nền kinh tế đa dạng, bền vững hơn trong tương lai.